Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC cam kết khắc phục 3.600 tỷ đồng nhưng nhiều bị hại khó có thể chứng minh thiệt hại để nhận bồi thường.
Ngày 27/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cùng 49 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số đơn vị liên quan tiếp tục với phần tranh luận.
Trước đó, giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chính trong việc tổ chức, quyết định nâng vốn góp khống; niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HoSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng và là chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo thao túng thị trường chứng khoán, thu lời bất chính với số tiền hơn 684 tỷ đồng.
Nhiều bị cáo khác là người am hiểu sâu lĩnh vực tài chính, chứng khoán nhưng tạo kẽ hở cho nhóm Trịnh Văn Quyết lách luật, phạm tội trong lĩnh vực này.
Hành vi của các bị cáo trong vụ làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, khiến nhiều nhà đầu tư mất 684 tỷ đồng ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán và hơn 3.600 tỷ đồng ở hành vi lừa đảo.
Phía công tố cũng ghi nhận, các bị cáo khai báo thành khẩn, năn năn hối cải; có thái độ tích cực khắc phục hậu quả.
Riêng bị cáo Trịnh Văn Quyết được đánh giá luôn tìm cách bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có thể ghi nhận bị cáo đã nộp hơn 200 tỷ đồng tiền mặt, kiểm sát viên cho rằng con số này quá khiêm tốn so với 4.300 tỷ đồng cần khắc phục.
Đại diện VKS đề nghị mức án đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 19 - 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 5 - 6 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội danh là từ 24 - 26 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết), 4 – 5 năm tù vì thao túng và 13 - 14 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 17 – 19 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết), 3 - 4 năm tù vì thao túng và 7 – 8 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 10 – 12 năm tù.
Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, từ 4 – 5 năm tù vì thao túng và 7 – 8 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 11 – 13 năm tù.
Các bị cáo khác cũng bị đề nghị từ 1,5 - 16 năm tù về các tội Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư cho rằng, thân chủ của mình luôn thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn và tôn trọng tuyệt đối các mô tả về hành vi được quy kết trong cáo trạng. Tuy nhiên, mức án mà VKS đề nghị với bị cáo Quyết là nghiêm khắc và chưa được xem xét chính sách khoan hồng.
Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng, việc xác định ai thực sự là bị hại trong số hơn 30.000 nhà đầu tư để từ đó tính toán thiệt hại một cách chính xác là rất quan trọng.
Cụ thể, luật sư bào chữa cho bị cáo Quyết nêu quan điểm cần xem xét lại cách tính thiệt hại trong vụ án bởi "cổ phiếu mua đi bán lại liên tục" và nhiều người mua ban đầu, được coi là bị hại nhưng thực tế đã bán cổ phiếu đi.
Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ngay khi bị khởi tố năm 2022, ông Quyết bán đi Bamboo Airways, thu về 200 tỷ đồng, nộp luôn vào tài khoản của cảnh sát; còn 500 tỷ đồng, người mua cũng "cam kết hỗ trợ". luật sư cho rằng, thiệt hại ở hành vi này đã được khắc phục.
Đối với hành vi lừa đảo bán cổ phiếu ROS, luật sư nêu quan điểm đây không phải tiền chiếm đoạt được mà: "Cần xem xét là khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án".
Ngay tại thời điểm nhà đầu tư bán cổ phiếu ra thị trường, nhà đầu tư đã thu hồi lại một phần hoặc toàn bộ, thậm chí nhiều hơn số tiền đã bỏ ra ban đầu. Với những trường hợp như vậy, dù được coi là bị hại nhưng họ không có thiệt hại và thậm chí còn "có lãi". Điều tra còn cho thấy, trong số 30.403 nhà đầu được xác định là bị hại (người mua ban đầu), chỉ có 133 nhà đầu tư còn giữ cổ phiếu ROS (hơn 60.000 người liên quan đang giữ cổ phiếu này).
"Chúng tôi băn khoăn về cách thức mà các nhà đầu tư trong số hơn 30.000 trường hợp được xác định là bị hại sẽ làm thế nào để chứng minh thiệt hại của mình và nhận về một số tiền nào đó trong từ 3.600 tỷ đồng", luật sư bào chữa cho bị cáo Quyết nêu quan điểm.
Con số 3.600 tỷ theo kết luận tại cáo trạng, trừ thiệt hại của nhóm 133 nhà đầu tư, không thể xác định số tiền thiệt hại đối với các nhà đầu tư còn lại nên luật sư cho rằng khi bị cáo Quyết nộp đủ, toàn bộ được chuyển vào ngân sách. Vì vậy, việc xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với bị cáo là có cơ sở.
Trong phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết nhiều lần so sánh với vụ án Tân Hoàng Minh, khi cựu Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã khắc phục toàn bộ hơn 8.600 tỷ đồng và được tuyên 8 năm tù, dưới khung hình phạt.
Luật sư bào chữa cho Trịnh Văn Quyết cũng bày tỏ mong HĐXX cho phép thân chủ của mình sử dụng tài sản sản cá nhân và nguồn lực khác huy động để sớm khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Trong khi đó, luật sư bào chữa cho nhiều bị cáo khác cho rằng, cần xem xét rõ vai trò "đồng phạm giúp sức tích cực" của các bị cáo, bởi họ không được bàn bạc, không được biết gì về kế hoạch nâng khống vốn. Nhiều bị cáo được ông Trịnh Văn Quyết nhờ ký tên, đứng tên và không được hưởng lợi gì.