Pháp luật

Xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Xuân Ngọc 22/07/2024 06:30

Theo dự kiến, sáng nay (22/7), Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng 49 đồng phạm. Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đưa ra xét xử về các tội “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

anh-bai-tren-2.png
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Thao túng 5 mã chứng khoán, nâng khống vốn điều lệ

Cùng hầu tòa về 2 tội danh trên còn có các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC), Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS - đều là em gái của bị cáo Quyết); Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC); Trịnh Văn Đại (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros); Nguyễn Văn Mạnh (Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land); Trịnh Tuân (nguyên giám đốc Công ty FLC Land); Nguyễn Thị Hồng Dung (lao động tự do).

Có 90 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, trong đó riêng bị cáo Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa.

Hội đồng xét xử đã triệu tập 38 pháp nhân là các công ty có liên quan đến việc chuyển tiền ra - vào của Tập đoàn FLC, bao gồm các công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn FLC như: Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, Công ty cổ phần chứng khoán BOS, Công ty cổ phần hàng không Tre Việt, Công ty cổ phần đầu tư tài chính và quản lý tài sản RTS… Ngoài hệ sinh thái FLC còn có một số công ty bên ngoài Công ty cổ phần nông dược HAI, Công ty TNHH đầu tư phát triển địa ốc Khánh Hòa, Công ty TNHH NewLand Holdings Việt Nam… Ngoài ra, Tòa còn triệu tập 22 người làm chứng, 21 cá nhân liên quan (là những người nhận tiền, chuyển tiền cho bị cáo Trịnh Văn Quyết), 8 giám định viên (gồm 2 giám định viên của Bộ Tài chính, 6 giám định viên của Ủy ban chứng khoán Nhà nước), 4 ngân hàng.

Trước khi phiên tòa diễn ra, Luật sư Vũ Đặng Hải Yến (thuộc Công ty Luật TNHH SmiC, bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết) cho biết, người nhà của Trịnh Văn Quyết tiếp tục nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Đến nay, thân chủ của bà đã nộp hơn 210 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, đồng thời vận động người thân “tiếp tục nộp tối đa tiền khắc phục hậu quả vụ án trước và khi tòa xét xử”.

Theo cáo trạng, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột) cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Trịnh Thị Minh Huế đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua/bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…

Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Ngoài hành vi nêu trên, cơ quan tố tụng còn cáo buộc bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.

Cụ thể, Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này từ 1,5 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros và những người có quyền lợi, nghĩa vụ quyền lợi liên quan khác được tòa án triệu tập.

anh-bai-tren-1.jpg

Cựu lãnh đạo FLC đã xuất cảnh

Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định bị can Doãn Văn Phương (cựu Tổng Giám đốc FLC) đã xuất cảnh ra nước ngoài, nên tách hồ sơ để xử lý sau. Song trong bản cáo trạng, cơ quan công tố đã nêu bật vai trò của Doãn Văn Phương.

Theo cáo trạng, tháng 8/2012, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương cùng một số cá nhân mua lại Công ty Green Belt có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng (sau 2 lần đổi tên thành Công ty Faros). Doãn Văn Phương được giao làm Chủ tịch HĐQT Công ty Faros và mọi hoạt động của doanh nghiệp này do Trịnh Văn Quyết chỉ đạo, điều hành trực tiếp thông qua Phương.

Do Faros không có nguồn vốn và tài sản đảm bảo, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các thành viên trong tập đoàn FLC thực hiện các thủ tục nâng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp này, từ đó phát hành cổ phiếu, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán bán cho các nhà đầu tư.

Để thực hiện tăng vốn điều lệ khống, Trịnh Văn Quyết giao cho em gái là Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo bộ Biên bản họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT, sau đó chuyển cho các thành viên (có Doãn Văn Phương…) ký hợp thức tài liệu này.

Sau đó, Quyết, Phương chỉ đạo việc sử dụng góp vốn khống này nhằm hợp thức hóa tài sản của Faros bằng thủ đoạn ký khống các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các cá nhân, pháp nhân là người thân quen, nhân viên Tập đoàn FLC... để cân đối vốn góp khống.

Cơ quan công tố cáo buộc, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, Trịnh Văn Quyết và các bị can 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống, nâng số vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Theo cơ quan công tố, 5 lần tăng vốn điều lệ của Faros đều do Trịnh Văn Quyết, Doãn Văn Phương bàn bạc. Sau mỗi lần tăng vốn hoàn thành, Doãn Văn Phương đều thông báo kết quả với Trịnh Văn Quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết