Pháp luật

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên y án tử hình

LÊ ANH 04/12/2024 08:49

Ngày 3/12, Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã tuyên án đối với các bị cáo.

anh1.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm ngày 3/12. Ảnh: Hồng Phúc.

Sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là chủ mưu và là người có vai trò chính trong vụ án tiêu cực tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1). Bị cáo Trương Mỹ Lan là người sở hữu 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB. Với cương vị này, bị cáo Lan đã điều hành, chỉ đạo, chi phối mọi hoạt động tại Ngân hàng SCB. Hành vi của bị cáo Lan và các đồng phạm xảy ra trong một thời gian dài, có tổ chức. Toàn bộ quá trình, bị cáo Lan đã chỉ đạo các bị cáo thuộc cấp là lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB để lập khống hàng trăm hồ sơ vay. Từ đó rút tiền ngân hàng rồi chuyển vào các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để rút ra, với số tiền đặc biệt lớn.

Cụ thể, từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2017, bị cáo Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến tháng 10/2022, bị cáo Lan và các công ty của mình còn dư nợ 132.247 tỷ đồng và được xác định không có khả năng thu hồi. Sau khi cấn trừ vào các tài sản đảm bảo (cho các khoản vay trên), bị cáo Lan và các đồng phạm được xác định, đã gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Ngoài ra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bị cáo Lan tiếp tục chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, từ đó chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng, đồng thời gây thiệt hại số tiền gần 130.000 tỷ đồng. Bị cáo Trương Mỹ Lan còn có hành vi nhiều lần chỉ đạo thuộc cấp “đưa hối lộ” cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), với tổng số tiền 5,2 triệu USD. Ngoài ra, bị cáo Lan còn chỉ đạo đưa hối lộ cho các cán bộ bộ phận khác nhau thuộc đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.

HĐXX phúc thẩm nhận định, bản án sơ thẩm tuyên mức án cao nhất là tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là đúng người, đúng tội, không oan sai. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Lan được ghi nhận có sự chuyển biến nhận thức, thừa nhận sai phạm và tự nguyện cam kết đưa nhiều tài sản vào khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm xác định các tài sản này chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định giá trị tài sản. Do đó, không có căn cứ để giảm án tử hình. Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên phạt y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về các tội “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

HĐXX cũng lưu ý, theo quy định của pháp luật, người bị kết án tử hình sau khi bản án có hiệu lực, nếu tiếp tục tích cực khắc phục 3/4 hậu quả vụ án trong giai đoạn thi hành án thì sẽ được xem xét chuyển từ tử hình sang chung thân.

Ngoài mức án nghiêm khắc nhất, bị cáo Trương Mỹ Lan bị buộc phải có trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại, tương đương số tiền là 673.800 tỷ đồng.

Liên quan đến các khoản nhận hối lộ đặc biệt lớn, HĐXX phúc thẩm đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) Đỗ Thị Nhàn. Tại tòa, mặc dù bị cáo Nhàn đã nộp lại toàn bộ số tiền “nhận hối lộ” và có các tình tiết giảm nhẹ hình phạt (lý lịch và nhân thân tốt, có đóng góp cho xã hội...) nhưng do hành vi phạm tội của bị cáo gây bức xúc trong quần chúng nhân dân nên cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc. Từ nhận định này, HĐXX phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức án tù chung thân về tội “nhận hối lộ” đối với bị cáo Nhàn.

HĐXX phúc thẩm cũng tuyên y án chung thân đối với một số cựu lãnh đạo, cán bộ tại Ngân hàng SCB. Cụ thể, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) bị tuyên y án chung thân về các tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) nhận án chung thân về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “tham ô tài sản”.

Đối với các bị cáo còn lại là nhân viên, cán bộ, cựu lãnh đạo của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị HĐXX phúc thẩm tuyên phạt các mức án tù từ 1 năm 9 tháng tù đến 18 năm tù về nhiều tội danh khác nhau, như: “tham ô tài sản”; “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”...

Đối với nhóm bị cáo là người thân trong gia đình của bị cáo Trương Mỹ Lan đã được HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Lan, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Windsor) được giảm án từ 17 năm tù còn 13 năm tù về tội “tham ô tài sản”. Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của bị cáo Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square) được giảm án từ 9 năm tù còn 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên y án tử hình