Ngày 19/9, Tòa án nhân dân TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 bị cáo đồng phạm trong “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, liên quan đến việc huy động và phát hành trái phiếu “khống”, thu lợi bất chính số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2 xét xử vụ án, có 35.824 bị hại cùng 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 19/9 đến 19/10/2024 do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà - Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM làm Chủ tọa phiên tòa. Có 5 Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM giữ quyền công tố.
Trong vụ án này, TAND TPHCM tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định tại các điều 62, điều 65 và điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó, đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật. Theo Chủ tọa phiên tòa, việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.
Để đảm bảo quyền lợi của nhóm các bị hại, TAND TPHCM đã thông báo với hơn 35.000 bị hại, là các nhà đầu tư mua trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP đầu tư Sunny Word, Công ty CP đầu tư Quang Thuận,...) theo dõi thông tin diễn biến xét xử vụ án trên trang thông tin điện tử của TAND TPHCM, sẽ được cập nhật thường xuyên mỗi ngày. Ngoài ra, do phiên tòa thu hút sự chú ý cao của dư luận và nhân dân nên để đảm để đảm bảo quá trình xét xử diễn ra thuận lợi, an ninh trật tự tại phiên tòa đã được thắt chặt.
Trong ngày đầu xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã dành phần lớn thời gian tiến hành phần thủ tục và công bố cáo trạng. Trong giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan phải hầu tòa về 3 tội danh: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Đối với chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo Chu Lập Cơ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quảng trường thời đại (Times Square) bị truy tố về tội “rửa tiền”. Đến thời điểm bị bắt và truy tố, bị cáo này bị cáo buộc đã sử dụng hơn 33 tỷ đồng từ các thẻ tín dụng (do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản của bị cáo Cơ) để thanh toán cá nhân khi đi nước ngoài. Riêng đối với bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty WMC - cháu bị cáo Trương Mỹ Lan) bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo này đã thực hiện theo chủ trương phát hành trái phiếu của bị cáo Trương Mỹ Lan để ký các hợp đồng, chứng từ khống, cùng với các bị cáo trong vụ án chiếm đoạt số tiền 13.000 tỷ đồng của hơn 20.600 bị hại. Trong phiên xét xử lần này, bị cáo Trương Mỹ Lan có 4 luật sư bào chữa; các bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) và bị cáo Trương Huệ Vân có 2 luật sư bào chữa. Ngoài ra, có gần 100 luật sư bào chữa để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các bị cáo khác, người liên quan và hàng nghìn bị hại.
Theo nội dung cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập và nắm giữ 60% cổ phần, làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1992 đến nay. Thông qua người thân và nhiều pháp nhân liên quan, bị cáo Trương Mỹ Lan còn nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Do đó, bị cáo thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này. Trong giai đoạn 2 xét xử vụ án, cáo trạng xác định từ năm 2018 - 2020 bị cáo Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo thuộc cấp sử dụng 4 công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu khống nhưng không có tài sản đảm bảo, với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu. Qua việc chỉ đạo và thao túng này, bị cáo Trương Mỹ Lan đối diện cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu “khống”, hành vi “rửa tiền” và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới số tiền 4,5 tỷ USD.