Theo lời bào chữa từ phía luật sư, cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế mặc dù biết test xét nghiệm Covid-19 của Việt Á không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành nhưng vì chỉ đạo của cấp trên nên phải làm.
Sáng 9/1, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á tiếp tục với phần tranh luận.
Trong phiên tòa hôm nay, các luật sư bào chữa đã tham gia tranh luận, phân tích nhiều luận điểm, luận cứ nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trình bày tại Tòa, luật sư bào chữa của bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chuẩn đoán (Bộ Y tế) cho biết, cả bị cáo và luật sư đều nhất trí với tội danh bị cáo Tuấn bị truy tố, như vậy là đúng người, đúng tội.
Bị cáo Tuấn bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố tội "Nhận hối lộ".
Cơ quan truy tố cáo buộc, do Công ty Việt Á không thuộc đối tượng cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm nên ngoài việc nhờ các bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long,... Phan Quốc Việt còn trực tiếp gặp, nhờ Nguyễn Minh Tuấn giúp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành và được Tuấn đồng ý.
Ông Tuấn bị cáo buộc biết rõ test xét nghiệm Covid-19 là sản phẩm của đề tài thuộc sở hữu Nhà nước, không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành cho Công ty Việt Á.
Ông Tuấn cũng được cấp dưới báo cáo rõ hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành thiếu 4 tài liệu, không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành nhưng do các bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh tác động, chỉ đạo và Phan Quốc Việt trực tiếp đặt vấn đề nên Tuấn đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm.
Bị cáo Tuấn được Việt "cảm ơn" tổng số tiền 300.000 USD (tương đương hơn 6,94 tỷ đồng).
Với những hành vi nêu trên, bi cáo Nguyễn Minh Tuấn bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 8 đến 9 năm tù với tội danh "Nhận hối lộ".
Bào chữa cho bị cáo Tuấn, luật sư cho rằng mức án mà vị VKS nêu là quá nặng với thân chủ của mình.
Về hành vi sai phạm của bị cáo Tuấn, luật sư cho rằng, về nguyên nhân chủ quan, mặc dù ông Tuấn biết test xét nghiệm Covid-19 không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành cho Công ty Việt Á nhưng vì chỉ đạo của cấp trên nên phải làm, buộc phải soạn và trình văn bản…
Về nguyên nhân khách quan, luật sư Ứng phân tích, trong giai đoạn cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nếu không cấp phép để chống dịch thì chậm trễ, bị cáo Tuấn cũng sẽ bị loại ra khỏi đội ngũ.
Xét về tính thời điểm, theo vị luật sư bào chữa cho cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, hành động của Tuấn cũng được coi là "xé rào". Tiếp tục bào chữa, luật sư Ứng nói tất nhiên khi Tuấn thấy hồ sơ không đủ thì có thể từ chối, có thể không tuân theo chỉ đạo của cấp trên tuy nhiên "rất tiếc là bị cáo không làm được".
Về việc nhận hối lộ từ Phan Quốc Việt, luật sư Ứng trình bày, việc nhận tiền này là chính xác, bị cáo Tuấn đã chủ động làm bản tường trình vì dằn vặt, biết nhận tiền là không đúng và nhận thức được đó là tiền hưởng lợi không chính đáng. Bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả toàn bộ 300.000 USD.
Vị luật sư cũng trình bày, bị cáo Tuấn luôn có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Trong nhiều tình tiết giảm nhẹ, vị luật sư thông tin rằng vợ của bị cáo Tuấn hiện bị ung thư giai đoạn cuối, phải nhập viện nên không thể đến tòa theo triệu tập của HĐXX.
Luật sư bày tỏ mong muốn VKS đề nghị mức án với thân chủ mình là quá cao, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt dưới mức VKS đề nghị.