Nối tiếp thành công của vở diễn “Cây gậy thần”, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa tiếp tục phối hợp dàn dựng tác phẩm thứ hai trong dự án Huyền sử Việt mang tên “Thượng Thiên Thánh Mẫu”.
Vở diễn “Thượng Thiên Thánh Mẫu” do tác giả Thế Song - Xuân Hồng viết kịch bản; NSND Tống Toàn Thắng và NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh – vị đệ nhất Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam. Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử).
Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế. Thánh Mẫu ba lần giáng trần cứu độ nhân thế và truyền dạy dân chúng nhiều nghề truyền thống, cùng những khúc Văn ca. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn sắc phong là “Mẫu nghi thiên hạ” (Mẹ của muôn dân), “Chế Thắng Hòa Diệu đại vương”. Cuối đời, bà quy y cửa Phật rồi thành đạo, hiển linh làm Mã Vàng Bồ Tát.
Ở lần kết hợp giữa hai ngôn ngữ Cải lương và Xiếc lần này sẽ đưa người xem trở về giai đoạn lịch sử trải dài từ triều Lê đến triều Nguyễn. Thánh Mẫu giáng trần với duyên nợ Ba Sinh, thương xót thế nhân với bao đau khổ loạn ly, chiến chinh và bệnh tật, Mẫu đã ba lần giáng hạ để cứu nhân độ thế, diệt kẻ tà gian bạo ngược.
Trong những câu chuyện Thánh Mẫu khán giả sẽ thấy những yếu tố của tư duy cổ tích pha trộn với tư duy thần thoại, mang đậm màu sắc linh thiêng, huyền ảo, đó chính là những chất liệu phong phú giúp cho tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ được thỏa sức thăng hoa.
Đặc biệt, vở diễn còn mang tới cho người xem sẽ bắt gặp sự hòa quyện tài tình giữa nghệ thuật Xiếc – một nghệ thuật mang tính đương đại, cùng nghệ thuật Cải lương – một nghệ thuật sân khấu dân tộc hòa trộn giữa các giá trị phương Đông và phương Tây, quá khứ và hiện tại; tính dân tộc và đương đại sẽ đan xen với nhau, cộng hưởng cùng nhau để làm nên một tác phẩm sân khấu với những sáng tạo nghệ thuật đích thực cùng yếu tố mang tính giải trí cao nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, trong đó có khán giả trẻ tới những giá trị truyền thống của dân tộc.
Ngoài ra, trọng tâm của vở diễn là phần âm nhạc, chủ đạo. Các bài Cải lương được phối các bản lý, bản nhỏ của sân khấu cải lương, tạo sự thú vị cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Bài bản lớn như vọng cổ, bản bắc, sẽ được giữ nguyên bản của sân khấu Cải lương.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, “Thượng Thiên Thánh Mẫu” sẽ có nhân vật dẫn chuyện giới thiệu huyền tích về đạo Mẫu, về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Câu chuyện được dẫn dắt qua ngôn ngữ không chỉ của Cải lương, Xiếc, mà còn chầu văn, những màn giá đồng. Không gian gần gũi trong đại cảnh “Tam tòa Thánh Mẫu” tái hiện câu chuyện của các nhân vật trong Tứ Phủ được kỳ vọng mang đến màu sắc mới cho tác phẩm...
NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, sau khi công diễn vở “Cây gậy thần” - tác phẩm đầu tiên trong Dự án Huyền sử Việt, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức khảo sát ý kiến khán giả, về cách thể hiện, sự kết hợp 2 loại hình nghệ thuật… Đơn cử như khi sử dụng sân khấu tròn trong quá trình công diễn “Cây gậy thần”, để thể hiện các lớp lang chúng tôi dùng ánh sáng, hiệu ứng qua các xen diễn nên có phần hạn chế. Chính vì vậy, ở vở diễn lần này, chúng tôi sử dụng nhiều hơn sân khấu vuông, hài hòa giữa phần diễn trên cao và dưới thấp, giảm bớt thời lượng để bảo đảm tiết tấu, chuyển giao cảnh diễn, lớp diễn của nghệ sĩ, không làm cho khán giả bị chùng xuống.
“Tác phẩm lần này, các nghệ sĩ sẽ đề cao hơn nữa sự tương tác với khán giả. Do mỗi vở diễn, nội dung câu chuyện được lựa chọn đạo cụ phù hợp, ví dụ nhào lộn, thăng bằng… nên vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” không thể lặp lại những đạo cụ, trò diễn của vở trước”, NSND Tống Toàn Thắng nói.
Theo kế hoạch, vở diễn “Thượng Thiên Thánh Mẫu” với thời lượng khoảng 120 phút sẽ ra mắt khán giả vào tháng 6/2021.