Từ lâu, mỗi dịp Tết đến Xuân về, tục xin chữ, cho chữ đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Đây là một nét văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc với mong muốn một năm mới vạn sự như ý.
Nét văn hóa cần được gìn giữ và phát huy
Từ xa xưa, chữ viết luôn được người dân Việt Nam coi trọng và gìn giữ. Tục xin chữ gắn liền với mong ước một năm mới tốt đẹp, bình an và tâm niệm coi trọng chữ nghĩa. Vì thế, ai cũng mong muốn xin chữ đầu năm để cầu mong bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Đây tựa món quà văn hóa tinh thần có ý nghĩa sâu sắc. Nó khiến con người ta hướng đến các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Đối với người Việt Nam từ bao đời nay, cứ vào đêm giao thừa hoặc mùng Một Tết là đi lễ chùa để cầu bình an, mùng Hai là đi xin chữ. Nhưng những năm gần đây, việc đi xin chữ thường không cố định vào mùng Hai mà có thể kéo dài từ đêm giao thừa cho đến ngoài rằm Nguyên Tiêu. Những câu thơ “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” trong bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên từng nhắc đến tục xin chữ ngày Xuân; được xem là một nét đặc trưng của văn hóa Việt.
Nhiều chuyên gia văn hóa cho biết, theo cách hiểu truyền thống, đã từ lâu đời, việc xin chữ treo trong nhà đầu năm mới là một việc làm quan trọng, có ý nghĩa với mỗi gia đình. Treo chữ trong nhà cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới. Qua những con chữ sẽ biết được kế hoạch và mục đích đặt ra trong năm mới của người xin chữ.
Thường thì tục cho chữ sẽ được viết trên giấy đỏ bằng mực tàu. Màu đỏ cũng thể hiện màu của may mắn, màu của tương lai. Đồng thời cũng là mong muốn sẽ mang lại điều tốt lành, may mắn. Màu đỏ là biểu tượng của nguyên tố Dương, màu của mặt trời, sự ấm áp, đồng thời cũng thể hiện sức sống và sự sinh sôi nảy nở.
Nếu như trước đây, người đến xin chữ ở trong một tâm thế “an nhiên” tức là không hề tính toán xin chữ gì cụ thể mà ông đồ cho chữ nào thì nhận chữ đó.
Gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, tục xin chữ đầu năm đang dần có những thay đổi thích ứng với thời buổi kinh tế thị trường, có những người xin chữ tìm đến thầy đồ như một sự cầu tìm những giá trị cụ thể. Song đó cũng chỉ là nhu cầu của cuộc sống và tục cho chữ, xin chữ đầu năm vẫn là một nét đẹp văn hóa của người Việt cần được gìn giữ và phát huy.
Kế thừa và phát triển truyền thống
Với những nhà thư pháp, cho chữ trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền không chỉ là để tặng người xin chữ, mà qua từng nét chữ, từng con chữ những thầy đồ còn muốn hướng người xin chữ đến với cảm thụ thư pháp, hiểu thêm ý nghĩa của từng con chữ, của việc xin chữ là thế nào. Bên cạnh đó, cũng mong muốn giới thiệu nét đẹp truyền thống thư pháp đến đông đảo nhân dân và cũng để thể hiện khả năng viết thư pháp của mình.
GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: Tục xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ngày xưa, phong tục này gắn liền với hình ảnh ông đồ viết thư pháp bằng chữ Hán.
Gần đây xuất hiện xu hướng viết bằng chữ quốc ngữ nhưng vẫn được thể hiện qua thư pháp. Việc thể hiện thư pháp bằng chữ quốc ngữ đã góp phần phổ biến và làm đa dạng hóa từ người viết chữ cho đến người xin chữ. Phong tục tốt đẹp này nhờ đó sẽ được tiếp tục duy trì và phát triển.
Phong tục xin chữ đầu năm ở những năm trước khi có đại dịch rất nhộn nhịp, đặc biệt ở các bạn trẻ. Điều đó thể hiện được nét đẹp truyền thống tôn vinh chữ nghĩa, tinh thần hiếu học, tôn sự trọng đạo của người Việt Nam.
Ngày xưa thư pháp thường gắn liền với ông đồ già thì những năm gần đây, hình ảnh “ông đồ trẻ” với khăn xếp, áo the xuống phố đã mang lại những nét đẹp mới, góp phần gìn giữ truyền thống cho chữ của người Việt ngày Xuân. Đây là những tín hiệu lạc quan vì đã xuất hiện rất nhiều bạn trẻ tài năng và cũng yêu hơn những nét đẹp của thư pháp.
Họ không chỉ gìn giữ mà còn thực hiện nhiều tác phẩm có ý tưởng khác biệt. Những ông đồ trẻ ngày càng thể hiện được những nét độc đáo của nét chữ thông qua các loại hình khác nhau không chỉ trên giấy.
GS.TS Từ Thị Loan nhận định, hình ảnh ông đồ trẻ thể hiện sự kế thừa và phát triển truyền thống: “Với truyền thống ngày xưa là hình ảnh những ông đồ già mới đủ độ chín chắn, đủ uy tín để cho chữ. Nhưng ngày nay, các bạn trẻ được học đến nơi đến chốn, thậm chí người trẻ còn có những tiến bộ và sáng tạo hơn.
Đây là sự khuyến khích để họ tự khẳng định uy tín. Và hình ảnh ông đồ trẻ là một nét đẹp, hiện tượng hay, xu hướng tốt vì khi những bạn trẻ vẫn hướng về truyền thống thì đây là điều đáng mừng”.
Tại Hà Nội, hàng năm Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành nơi tụ hội những người yêu nghệ thuật thư pháp và là nơi người dân Thủ đô đến vui chơi, xin chữ đầu năm. Đến đây, mọi người được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật thư pháp với những lều tre để các ông đồ ngồi viết thư pháp và cũng là nơi trưng bày những bức thư pháp tuyệt đẹp với những góc trang trí mang văn hóa Tết. Tuy nhiên trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động cho chữ cũng như những hoạt động khác tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạm thời đóng cửa.