Trong những năm qua, có không ít cán bộ sau khi về hưu đến hàng chục năm vẫn “cố thủ” trong nhà công vụ, không chịu trả lại Nhà nước. Số cán bộ này nại ra hàng tỷ lý do để chây ỳ: Thời đương chức chưa được hưởng đãi ngộ gì mấy; hiện chưa có nhà ở, chỉ có mỗi căn nhà này; đang xây nhà chưa xong nên chưa trả... Ai cũng biết, những lý do nêu trên đều nực cười, khó có thể chấp nhận. Dư luận xã hội van nài: Xin các vị đừng tham quá!
Có trường hợp nguyên thứ trưởng một bộ chuyên “trồng người” lại chây ỳ không trả nhà công vụ với lý do, cả đời cống hiến chưa từng được đãi ngộ gì cả. Xin thưa rằng, chẳng có ai phấn đấu làm “công bộc của dân” để rồi “uống nước lã và hít khí trời” để sống cả. Chưa nói đến những chế độ, bổng lộc lúc đương chức vị này được hưởng, chỉ riêng việc được cấp nhà công vụ cũng đã là sự đãi ngộ của xã hội rồi, sao lại nói là không?
Hay như hai trường hợp nguyên cán bộ có hàm tương đương thứ trưởng của một cơ quan ngang bộ cũng định chiếm luôn nhà công vụ, nếu không bị bêu tên. Để che giấu sự xấu hổ của lòng tham, những cán bộ này thanh minh rằng không hề có ý định chiếm nhà công vụ, chẳng qua là đang xây nhà chưa xong nên chưa trả. Trong khi đó, các vị cán bộ hàm thứ trưởng này về hưu đã 3 năm. Liệu có ai xây nhà tới 3 năm không?
Tương tự, có trường hợp nguyên cán bộ mang hàm tổng cục trưởng lại viện cớ nhà riêng đã xây xong nhưng đang hoàn thiện nội thất nên chưa trả được nhà công vụ. Một trường hợp khác thì giữ nhà công vụ để đợi Nhà nước hóa giá sẽ mua cho cháu ở. Còn khá nhiều trường hợp cố tình muốn chiếm nhà công vụ rồi đưa ra những lý do hết sức nực cười mà trong khuôn khổ bài viết không thể liệt kê hết.
Hầu hết cán bộ cỡ hàm tổng cục trưởng trở lên, không có ai “nghèo” đến độ không có nhà để ở cả. Người ít thì có một căn, người nhiều có đến cả chục ngôi nhà lớn, rồi đất đai ở những vị trí đắt tiền mà người dân thường ngay cả nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Đó là còn chưa kể đến tiền, vàng cất kỹ trong két sắt. Cán bộ nghèo thế sao cứ thi thoảng lại có người báo công an mất trộm hàng tỷ đồng, vàng, chim quý trị giá vài trăm triệu?
Dư luận khi nhắc đến những cán bộ có ý định chiếm nhà công vụ với những lý do “trên trời” không thể không cười đến rụng răng. Làm cán bộ nghèo thế, vất vả thế, lại chẳng có đãi ngộ gì như lời họ than vãn, sao nhiều người lại cứ lăm le chạy chức, chạy quyền thế nhỉ? Lẽ ra số cán bộ này thay vì “cống hiến” thì nên nuôi lợn, buôn chổi đót, chạy xe ôm... có lẽ sẽ có biệt phủ, trang trại rộng lớn, không đến nỗi phải ở nhà công vụ.
Thế mới biết lòng tham của con người ta là vô đáy, được một lại muốn được hai, “được voi đòi tiên”. Khi mà cán bộ, đảng viên, dù là đã về hưu không còn giữ được phẩm chất đạo đức, thiếu tinh thần nêu gương, nổi lòng tham vô lối sẽ tạo ra hình ảnh vô cùng xấu, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Bác Hồ từng dạy, cán bộ chính là công bộc của dân. Do vậy, cán bộ lãnh đạo dù đương chức hay đã nghỉ hưu cần xác định tinh thần phục vụ là chính, đừng đòi hỏi quá nhiều cho bản thân, gia đình, không chỉ gây mất uy tín của bản thân, mà còn mất uy tín của tổ chức Đảng, bộ máy quản lý nhà nước và những cán bộ liêm chính khác.