Xin rút hồ sơ dù đã xác nhận nhập học

Phương Linh 25/08/2016 08:33

Thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 24/8 cho biết, hiện vẫn còn tới 147 trường ĐH, CĐ, học viện tuyển bổ sung thí sinh. Trong đó có nhiều trường tốp trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự…

Các thí sinh nộp bổ sung tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Có nhiều thí sinh trong lần xét tuyển đầu tiên, do chọn phương án an toàn nên đã nộp hồ sơ và giấy xác nhận nhập học vào trường mình chưa hoàn toàn yêu thích. Khi thấy những trường tốp trên còn tuyển bổ sung, với số điểm có thể trúng tuyển đã xin rút hồ sơ, nuôi hi vọng có thể nộp vào trường khác trong đợt xét tuyển bổ sung.

Xin rút hồ sơ vì trúng tuyển… đợt bổ sung

Từ ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn, đã có khá nhiều thí sinh và phụ huynh đến các trường ĐH xin tư vấn về việc có được thay đổi nguyện vọng không, bởi vì lỡ đăng ký vào những trường mình không yêu thích. Các thí sinh đã nhận được câu trả lời rằng không thể rút hồ sơ theo quy chế của Bộ GD&DT quy định.

Để chắc chắn lượng thí sinh sẽ học tại trường mình, Bộ GD&ĐT cũng quy định thêm, trong 5 ngày sau khi trường công bố điểm chuẩn, các thí sinh phải nộp giấy xác nhận trúng tuyển. Do lần đầu thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành, có thể có thí sinh trúng tuyển cả 2 trường.

Nếu thí sinh nộp giấy xác nhận nhập học thì nghiễm nhiên sẽ phải học trường đó và không được tham gia các đợt xét tuyển sau. Và ngược lại, nếu thí sinh không nộp coi như không có nguyện vọng học tại trường đã trúng tuyển, và tiếp tục được đăng ký xét tuyển bổ sung các đợt sau.

Quy định rõ ràng như vậy, nhưng khi các trường lần lượt cho biết, lượng hồ sơ nộp vào không đủ chỉ tiêu, cộng với việc Bộ GD&ĐT không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Vì vậy, khi có một số trường công bố hạ điểm chuẩn, thì tình trạng xin rút hồ sơ lại tiếp tục tiếp diễn.

Tại ĐH Ngoại thương, ngày hôm qua cũng có một vài trường hợp đến xin rút hồ sơ. Ông Nguyễn Văn Minh, phụ huynh thí sinh đến từ Ninh Bình đưa cháu đến rút hồ sơ với lí do mẹ ốm muốn được học gần nhà. Tuy nhiên đã là quy định rồi thì phải tuân thủ, trừ khi được Bộ GD&ĐT chấp nhận.

Tương tự, tại ĐH Bách khoa, có những thí sinh túc trực ở trường cả ngày để xin rút hồ sơ. Thí sinh tên Nam đến từ Thanh Hoá chia sẻ: Em đạt 25,85 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia. Với số điểm này trong đợt 1 xét tuyển em không đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự nên lựa chọn nộp giấy chứng nhận điểm để vào ĐH Bách khoa. Tuy nhiên, sau đợt xét tuyển, Học viện Kỹ thuật quân sự lại thiếu chỉ tiêu và công bố xét tuyển bổ sung với mức điểm chuẩn hạ nên em đủ điểm.

Về những trường hợp này, lãnh đạo trường ĐH Bách khoa chia sẻ: Tính đến nay có khoảng gần 10 thí sinh từ các tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá… lặn lội đến trường để xin được rút hồ sơ, mặc dù đã xác nhận nhập học. Phía nhà trường khẳng định, chỉ có thể chấp nhận cho các thí sinh có đơn và xác nhận của người bảo hộ đúng với lí do đưa ra, theo đó tư vấn kỹ cho họ hiểu rút hồ sơ đồng nghĩa với việc các em quyết định không nhập học tại trường. Nếu trường khác không nhận, khi quay lại, ĐH Bách khoa cũng sẽ không nhận những thí sinh này. Và số đơn chính thức mà trường nhận được hiện giờ chỉ có 2 đơn.

Đa số đều là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn nên nuôi hi vọng vào được các trường quân đội, công an để không phải đóng học phí. Nhất là khi năm nay nhiều trường quân đội hạ điểm chuẩn và tuyển bổ sung. Theo số liệu, hiện có tới 18 trường quân đội đã công bố thông tin tuyển bổ sung. Tổng số chỉ tiêu tuyển bổ sung của các trường này lên tới hơn 1.000 chỉ tiêu, chưa kể hệ dân sự.

Một số trường khác như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thuỷ Lợi cũng có nhiều trường hợp tương tự.

Đã là qui định, thí sinh phải chấp nhận

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa HN giải thích với các thí sinh rằng: Việc không được rút hồ sơ, hay phải xác nhận nhập học là quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, có giải thích nhiều phụ huynh vẫn tỏ thái độ không đồng tình vì cho rằng, quyền học ở trường nào là việc của thí sinh chứ trường không thể ép buộc. Có những gia đình còn xin địa phương giấy chứng nhận hộ nghèo để chứng minh gia đình không có điều kiện cho con theo học ở trường để hi vọng có thể rút hồ sơ.

Nhưng các thí sinh cần hiểu, trường có trả lại giấy chứng nhận kết quả thi, thì khi các em đi nộp vào trường khác thì giấy chứng nhận này không thể nhập lên hệ thống của Bộ được, vì mã số tuyển sinh của các em đã bị vô hiệu hóa.

Cùng quan điểm, PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Bộ GD&ĐT đã quy định ngay từ đầu thì thí sinh buộc phải chấp nhận để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác.

Việc thí sinh đến xin rút hồ sơ là hiệu ứng tất yếu của quy định cho phép các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung trong quy chế tuyển sinh năm nay. Ông Triệu ví dụ, một em nộp nguyện vọng 1 vào ngành A lấy 25 điểm, ngành B lấy 24 điểm. Đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh trượt ngành A vì chỉ được 24 điểm phải vào ngành B. Nhưng đến đợt xét tuyển bổ sung ngành A hạ xuống 24 điểm để tuyển bổ sung thì như vậy, thí sinh lại đủ trúng tuyển. Việc các em có nguyện vọng muốn rút hồ sơ là dễ hiểu, và tất yếu xảy ra.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng đã khẳng định lại sau đợt xét tuyển đầu tiên. Đối với các trường, để giảm nhẹ ảnh hưởng của thí sinh ảo, Bộ đã đưa vào quy chế các biện pháp để giảm ảo cũng như tạo điều kiện cho thí sinh. Trong các đợt xét tuyển, thí sinh không được rút hồ sơ. Thí sinh cần tuân thủ và tìm hiểu kỹ quy chế để không xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xin rút hồ sơ dù đã xác nhận nhập học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO