Xóa bỏ quy hoạch treo

Ngọc Quang 23/06/2023 07:00

Ngày 5/4/2023, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều đó cho thấy sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân tới bộ luật này. Ngày 21/6, tiếp tục thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về quy hoạch đất đai.

Rất đáng chú ý khi nhiều vị ĐBQH cho rằng phải xóa bỏ “quy hoạch treo” khi sửa đổi Luật Đất đai. Đây là vấn đề lãng phí, gây bức xúc, được người dân đặc biệt quan tâm. Tình trạng quy hoạch kéo dài, chậm thực hiện, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống người dân. Người dân trong khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm, “đi không được mà ở cũng không xong”. Cũng chính từ quy hoạch treo, đền bù không thỏa đáng đã dẫn đến nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài.

ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch. Đại biểu đề nghị sửa luật theo hướng khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng.

Theo bà Lê Thị Thanh Lam (ĐBQH đoàn Hậu Giang), diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cần rút ngắn còn 2 năm và được gia hạn điều chỉnh 1 lần, để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đồng thời, những dự án hết thời hạn kế hoạch sử dụng đất và gia hạn mà không thực hiện thì phải tính việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt thòi trong khoảng thời gian chưa thực hiện.

Giữa tháng 11/2022, nói với truyền thông, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) nhấn mạnh sửa đổi Luật Đất đai cần làm rõ hơn những quy định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, nhất là các khoản có liên quan đến người dân, như: tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai... Liên quan đến việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần triển khai đến các đối tượng chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp, quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình của các cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề mà người dân chưa đồng thuận; cần quy định rõ về tỷ lệ tán thành của người dân là bao nhiêu mới được xem là đạt để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua.

Bà Hương cũng đề nghị về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất thì phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Cùng về vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân (ĐBQH đoàn TPHCM) cho rằng cần hạn chế tối đa các trường hợp thu hồi đất, vì dù có bồi thường mức cao cũng không thay thế được sự an cư. Khi thu hồi đất phải có kế hoạch truyền thông tốt, có sự tham gia của các tổ chức dân cử giám sát ngay từ khi có chủ trương triển khai các dự án. Ông Ngân cũng cho rằng trong khi xã hội đang rất cần nguồn lực về tài chính để đầu tư vào các dự án hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội như giao thông, bệnh viện, trường học, chống ngập… thì lại đang có nhiều dự án đất công không được sử dụng hiệu quả. “Cần phải giải quyết các dự án treo. Nếu để treo dài hạn, việc sử dụng đất sẽ càng lãng phí” - ông Ngân nói.

Nhân đây xin được nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 9/6/2023. Về việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ những “thay đổi bất thình lình trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp”. Rủi ro lớn nhất của đầu tư vào nông nghiệp chính là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định phải rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp có lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Xóa bỏ quy hoạch treo - đền bù khi thu hồi đất - bảo đảm chỗ ở, điều kiện sống cho người bị thu hồi đất, cần phải được xem là “vòng tròn khép kín” khi xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa bỏ quy hoạch treo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO