Lừa đảo trực tuyến vẫn gia tăng. Đáng chú ý, nhiều vụ nạn nhân tố cáo nhưng việc điều tra của cơ quan công an gặp khó khăn do thông tin SIM, tài khoản đều là giả, không truy ra người đứng tên thật sự. Cũng chính vì thế mà việc ngân hàng bị “qua mặt” trong việc tạo tài khoản là rất đáng lo ngại.
Trong các vụ lừa đảo trực tuyến, nạn nhân ấm ức khi có số tài khoản ngân hàng, tên người nhận, số điện thoại di động của kẻ lừa đảo đầy đủ nhưng khi liên hệ nhờ nhà mạng và ngân hàng can thiệp thì không hiệu quả và được hướng dẫn ra trình báo công an.
Như vậy là, khi khách hàng bị lừa đảo thì hầu hết ngân hàng và nhà mạng chịu bó tay, không thể xác định chính chủ một khi thông tin thuê bao, thông tin mở tài khoản đều là tưởng thật mà lại giả. Người dân gọi đó là tài khoản “ma” và SIM “rác”.
Công an thành phố Đà Nẵng từng phát hiện 2 đường dây chuyên mua bán dữ liệu cá nhân, SIM “rác” để mở và mua bán tài khoản ngân hàng số lượng lớn. Chỉ trong vòng 3 tháng, 2 nhóm lừa đảo đã đăng ký trực tuyến để mở được hơn 30.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử bằng thông tin của người khác.
Trong một diễn biến liên quan, Công an cũng từng bắt giữ một nhóm gồm 6 đối tượng mua 10.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân người khác (gồm ảnh căn cước công dân, ảnh chụp khuôn mặt) và hơn 7.000 thẻ SIM điện thoại đã kích hoạt sẵn để mở tài khoản trực tuyến của ngân hàng và ví điện tử. Cho đến khi bị bắt giữ, nhóm này đã đăng ký được khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử.
Ngân hàng chắc chắn phải là nơi có nhiều hàng rào, nhiều lớp bảo vệ vô cùng kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc bị “qua mặt” trong việc tạo tài khoản đã và đang còn diễn ra là rất đáng lo ngại. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cho thấy chúng luôn “đi trước” các sự kiểm soát, bằng chứng là vẫn còn nhiều người tiếp tục bị lừa, bị mất tiền trong tài khoản, ví điện tử. Có người mất cả tỷ đồng. Điều đó phải được coi là lỗ hổng bảo mật từ phía ngân hàng.
Đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động. Theo đó, thuê bao điện thoại có thông tin không trùng với thông tin trên căn cước sẽ bị khóa một chiều từ 31/3, đến ngày 15/4 sẽ bị khóa hai chiều và thu hồi số sau ngày 15/5/2023. Nhưng rồi, bằng cách nào đó SIM “rác” vẫn lưu hành, được kích hoạt với thông tin giả, thông tin không chính chủ để nhận mã OTP khi đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
Thực tế cho thấy, nếu các ngân hàng, nhà mạng siết chặt quản lý thì tình trạng SIM “rác”, tài khoản “ma” không thể hoành hành. Cần phải quy trách nhiệm cho ngân hàng và nhà mạng khi để xuất hiện tài khoản “ma”, SIM “rác” trong hệ thống. Đó mới là điều quan trọng, thay vì chỉ kêu gọi người dân tỉnh táo để không bị lừa đảo. Người dân thật khó lòng tự bảo vệ tiền bạc của mình khi mà chỉ trong một vụ lừa đảo xảy ra ở Đồng Nai, một người đã bị tới 60 tài khoản “ma” chiếm đoạt số tiền cực lớn.
Một tin vui trong cuộc chiến chống lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng, là mới đây ngân hàng bổ sung một công cụ mới: xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt. Hy vọng điều đó sẽ thực sự có tác dụng để tiền bạc của người dân trong tài khoản được an toàn.
Tuy nhiên như đã nói, tội phạm công nghệ biến hóa khôn lường, vì thế vẫn rất cần phải cảnh giác. Mà trước hết phải từ phía ngân hàng khi quyết tâm làm sạch hệ thống tài khoản “ma”, không để bọn lừa đảo có thể chuyển tiền đi sau khi chiếm đoạt. Tình trạng tài khoản ngân hàng “ma” bắt đầu từ thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành, khi đó các ngân hàng đưa ra dịch vụ mở tài khoản từ xa eKYC để thuận tiện cho khách hàng. Khi nào bọn tội phạm còn mở được tài khoản “ma” thì nạn lừa đảo vẫn còn tiếp diễn vì các tài khoản mới vẫn tiếp tục được đăng ký, cho dù có áp dụng xác thực sinh trắc học đại trà đi chăng nữa.
Nếu nói về “tương quan lực lượng” thì người dân (bị lừa đảo) bao giờ cũng yếu thế hơn đối tượng lừa đảo khi chúng thành thạo việc dựng clip, lồng ghép hình ảnh công an, luật sư, gắn logo báo chí... để dọa dẫm, dụ dỗ “con mồi”. Vì thế, cùng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thì quan trọng nhất vẫn phải là biện pháp bảo vệ từ ngân hàng. Vẫn biết không một biện pháp nào là “đũa thần” cả, nhưng nếu thiếu trách nhiệm thì tiền trong tài khoản của nhiều người vẫn sẽ “không cánh mà bay”.