Khi dịch Covid-19 tại một số quốc gia tạm lắng, việc nhập học trở lại đã bắt đầu nhưng việc đi làm thêm thì vẫn là chưa thể, nên nhiều du học sinh cho biết, các em khá chật vật để xoay xở cuộc sống nơi đất khách quê người.
Đầu tháng 10 này Minh Khôi, sinh viên trường Cao đẳng ngoại ngữ Shurin đã quay trở lại Nhật Bản để tiếp tục chương trình học tập. Khi dịch Covid-19 tại một số quốc gia tạm lắng, việc nhập học trở lại đã bắt đầu nhưng việc đi làm thêm thì vẫn là chưa thể, nên nhiều du học sinh cho biết, các em khá chật vật để xoay xở cuộc sống nơi đất khách quê người.
1. Theo lời Khôi, khi sang đây mặc dù kết quả xét nghiệm Covid-19 là âm tính nhưng em vẫn phải tự cách ly ở nhà 14 ngày, sau đó trở lại lớp 1 tuần 2 buổi, thời gian còn lại là học online. “Ngay năm đầu tiên sang đây du học, em đã có thể đi làm thêm. Hệ thống làm việc bán thời gian dành cho du học sinh cũng khá linh hoạt. Theo quy định của Nhật Bản, sinh viên nước ngoài đi làm thêm không được quá 28 giờ/tuần. Tuy nhiên, với mức lương khoảng 200 ngàn đồng/giờ (nếu trong kỳ nghỉ dài và có giấy xác nhận từ trường thì có thể làm 40 tiếng), em cũng đủ trang trải tiền thuê nhà, ăn uống, còn học phí là gia đình lo” – Khôi chia sẻ.
Khôi cho biết thêm, lần này sang, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc làm thêm sẽ vô cùng khó khăn. Mặc dù ở nhà đã chuẩn bị tài chính để em có thể xoay xở trong vòng vài tháng nhưng chúng em vẫn mong sớm tìm được một việc làm thêm, để chi tiêu thoải mái hơn, cũng đỡ gánh nặng cho gia đình.
Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều du học sinh đã về Việt Nam, nhưng nhiều em cũng chọn ở lại, tuân thủ mọi quy định của chính quyền sở tại và chờ dịch qua đi để tiếp tục việc học tập. Trước khó khăn của các du học sinh do ảnh hưởng dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành “Trợ cấp khẩn cấp hỗ trợ học sinh sinh viên” bằng tiền mặt đối với những học sinh, sinh viên đang gặp khó khăn về tài chính trong cuộc sống do thu nhập bị giảm mạnh vì không thể làm việc bán thời gian. Các lưu học sinh nước ngoài đang ở Nhật Bản là đối tượng được hưởng khoản trợ cấp này. Ngoài tình trạng khó khăn về tài chính thì thành tích học tập và tỷ lệ chuyên cần cũng được tham khảo khi xem xét trợ cấp ở mức 200.000 yên hoặc 100.000 yên.
Mới đây, tại Đại sứ quán Việt Nam, thay mặt VietinBank và MUFG Nhật Bản, ông Takayoshi Futae, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp toàn cầu MUFG Bank đã trao tượng trưng số tiền 100 triệu Yên Nhật (khoảng 22 tỷ đồng) cho Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam để chuyển đến các sinh viên đang gặp khó khăn. Với số tiền này, VietinBank cùng MUFG mong muốn phần nào hỗ trợ cho các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, động viên các em tiếp tục cố gắng, hoàn thành tốt chương trình học tập.
2. Tại Pháp, dịch Covid-19 tạm thời đã được kiểm soát nhưng mỗi ngày vẫn có vài trăm ca lây nhiễm mới. Vì thế, công việc cũng trở nên khan hiếm hơn, nhất là với du học sinh. Ngọc Linh – một du học sinh Việt Nam tại Pháp chia sẻ: “Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc làm thêm bị gián đoạn nên bọn mình đã tiết giảm đi rất nhiều chi tiêu. Có hai khoản chi phí lớn nhất là tiền ăn và thuê nhà. Rất may, mới đây, chị Lưu Ngọc Huyền (du học sinh Pháp) đã xây dựng trang web mang tên Vietcoloc với cả hai ngôn ngữ Việt và Anh nhằm giúp không chỉ các bạn sinh viên mới mà cả những người đang khó khăn về nhà ở như mình nếu muốn có nhu cầu tìm nhà với giá hợp lý hay ở ghép để tiết kiệm chi phí.
Được biết Lưu Ngọc Huyền còn trẻ nhưng luôn mong muốn đóng góp một chút sức giúp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Mong muốn duy nhất của Huyền là trang Vietcoloc có thể tiếp cận, lan tỏa từ đó giúp đỡ được nhiều người Việt đã và học tập, sinh sống ở Pháp và trong tương lai xa hơn sẽ là nhiều nước trên thế giới trong câu chuyện thuê nhà, tìm bạn cùng phòng.
Thanh Hằng, hiện đang sống và học tập tại Paris -thành phố đắt đỏ của nước Pháp cho biết, ở Paris nhiều việc làm thêm hơn các tỉnh ngoại thành. Công việc chủ yếu là: Phục vụ bàn tại nhà hàng, trông trẻ, hướng dẫn viên du lịch, giao hàng (livreur), nhân viên lễ tân, nhân viên thu ngân…Nhưng phổ biến hơn cả là nhân viên bán hàng.
“Tại Pháp, mỗi tuần đều có hội chợ mà dân cư từ các nơi đến bán đặc sản vùng miền và đương nhiên người Việt Nam mình cũng đến đó mở ra quầy bán đủ các thứ. Rất nhiều sinh viên đã được thuê đến đó bán trong những ngày hội chợ. Công việc diễn ra từ 3-7 ngày với một khoản lương cũng kha khá. Thế nhưng từ khi xảy ra dịch Covid-19 thì việc làm thêm trở nên vô cùng khó khăn. Mặc dù hiện nay dịch đã có phần kiểm soát được nhưng vẫn rất ít nơi tuyển nhân viên làm partime. Vì vậy chúng tôi phải rất dè dặt trong chi tiêu mới đủ để đảm bảo cuộc sống” – Hằng chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần tương thân tương ái và tình cảm hướng về quê hương của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) vẫn khởi xướng chương trình gây quỹ quyên góp ủng hộ các y bác sĩ và nhân viên ngành y tế tuyến đầu chống dịch tại Đà Nẵng và đã quyên góp được số tiền khoảng 40 triệu đồng. UEVF đã ủy nhiệm cho thành viên của mình trao tặng số tiền trên cho Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng trong đợt dịch vừa qua.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là Mỹ 29.000, tiếp đó là Canada 21.000, Úc và New Zealand 30.000, Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc 14.000, Anh 12.000, Italia và Trung Quốc mỗi nước khoảng 11.000, Đức 7.500, Pháp 6.500.