Người Thái nổi tiếng với những vòng xòe mang tính cộng đồng, gắn kết và tươi vui. Trải qua thời gian, xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội cũng như đời sống văn hóa, sinh hoạt văn nghệ của người dân.
Ngày 24/9 vừa qua, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
UNESCO nhận định: "Xòe Thái phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái dành cho mọi người, không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người".
Đúng như vậy. Xòe là hình thức múa dân gian quan trọng của người Thái ở Việt Nam, chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật tộc người như: tín ngưỡng, âm nhạc, trang phục, ẩm thực… Lời ca: “Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi” đã phần nào khẳng định vai trò, vị trí của các điệu xòe trong đời sống của người Thái, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày vui của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng, của dân tộc...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, xòe Thái được gọi theo nhiều cách khác nhau: xe, xé, xóe, xòe, múa xòe, múa Then, mố... Chủ nhân của nghệ thuật xòe là cộng đồng người Thái trắng và Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam, cư trú tập trung tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và khu vực miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An.
Các điệu xòe được hình thành từ múa tín ngưỡng trong nghi lễ, cách điệu những động tác trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất… của đồng bào Thái Tây Bắc. Theo Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến - người dân tộc Thái, sống ở thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái): Người Thái có trên 36 điệu xòe, nhưng tựu trung đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe chủ yếu, bao gồm: Xòe vòng, nâng khăn mời rượu, xòe bổ bốn, xòe tiến lùi, xòe tung khăn, xòe vòng tròn vỗ tay.
Trong khi đó, theo PGS.TS Đặng Hoành Loan - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, có 3 không gian trình diễn xòe chính, gắn liền với đó là 3 loại xòe: Xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe biểu diễn.
Cụ thể, xòe nghi lễ gắn liền với then, là loại hình xòe ra đời sớm và có quy mô nghệ thuật chuyên nghiệp nhất; xòe vòng cũng bắt nguồn từ then nhưng đã được “thoát ly” khỏi không gian thiêng và trở nên phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng; xòe biểu diễn ra đời khi xã hội Thái hình thành tầng lớp quý tộc, các địa phương đã tổ chức đội xòe chuyên nghiệp để biểu diễn trong các dịp trọng đại.
Thông qua các điệu xòe, người Thái thể hiện mối quan hệ thiên - địa - nhân. Xòe là cách người Thái gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, những điệu xòe không khác gì một xã hội thu nhỏ của người Thái, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí, xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Qua mỗi điệu xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu đời, yêu người để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu sáng trong vô hạn. Qua những điệu xòe người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thuở sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan.
Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết, người Thái múa xòe vừa thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước, vừa thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc.
Ngoài các điệu xòe trong nghi lễ tín ngưỡng, các điệu xòe giải trí hay biểu diễn đều có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Sau những ngày lao động vất vả, múa xòe giúp con người thư giãn, vui vẻ, phục hồi sức khỏe, có thêm năng lượng để tiếp tục lao động, làm việc hiệu quả hơn. Các điệu xòe Thái góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian của cộng đồng dân tộc Thái, tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho cộng đồng người Thái, từ trang phục dân tộc đến các điệu múa, âm nhạc, lời hát, nhạc cụ và không gian văn hóa đi kèm...
Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, xòe góp phần khẳng định bản chất con người của người Thái, kiên cường bất khuất, dũng cảm khiêm tốn, sáng tạo và cần cù hướng con người tới lý tưởng cao thượng, lối sống lành mạnh bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng tình cảm cao đẹp.
Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng minh sức sống mãnh liệt, vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này của không chỉ đồng bào người Thái, mà còn của chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đất nước, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Thái và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.