Kinh tế

Xu hướng chăn nuôi giảm phát thải

NAM ANH 13/11/2024 15:40

Theo số liệu thống kê từ Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), mỗi năm sản lượng bò chăn nuôi trong nước đạt khoảng 500.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Dù đã nhập khẩu thì mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang rất thấp so với các quốc gia khác.

duoi(1).jpg
Các mô hình chăn nuôi bò thịt của doanh nghiệp. Ảnh: H.A.

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, những năm gần đây, thói quen tiêu dùng thịt của người dân đã có xu hướng tăng, tăng trung bình 3,3%/năm. Tuy nhiên, sản lượng thịt bò nuôi trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 45.300 tấn thịt và phụ phẩm thịt từ bò, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. 3 thị trường cung ứng thịt và phụ phẩm thịt từ bò lớn nhất cho Việt Nam kể từ đầu năm lần lượt là Australia (66%), Canada (17%) và Mỹ (8%).

Ông Đăng cho biết thêm, hiện nay, trên 90% số lượng bò thịt ở nước ta được nuôi theo phương thức nhỏ, phân tán trong các nông hộ, tập quán chăn nuôi cũ. Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi bò chủ yếu vẫn là tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn thả tự nhiên; trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh chưa được ứng dụng rộng rãi…

Theo số liệu báo cáo kiểm kê khí Metan năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát thải khí metan lĩnh vực chăn nuôi là 20,3 triệu tấn, chiếm 18,27% tổng lượng phát thải khí metan; trong đó, nguồn phát thải chính của lĩnh vực chăn nuôi từ tiêu hóa thức ăn chiếm 77%, quản lý chất thải vật nuôi chiếm 23%. Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi.

Ước tính chất thải chăn nuôi có trên 80 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 36% tổng khối lượng được thải trực tiếp vào môi trường với tỷ lệ từ 16% đối với chăn nuôi trang trại và 40% đối với chăn nuôi quy nông hộ.

Đối mặt với thực trạng nêu trên, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi đang tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi trong chăn nuôi bò thịt; khuyến khích các địa phương, DN đẩy mạnh ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo. Các mô hình chăn nuôi bò thịt theo kinh tế tuần hoàn cũng được nhân rộng. Các trang trại chăn nuôi cũng phải được ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát môi trường chăn nuôi bò cũng như theo dõi các chỉ số sinh lý, sinh hóa của vật nuôi nhằm tối ưu hóa môi trường chăn nuôi.

Còn theo các chuyên gia, chính phủ cần cho phép phát điện biogas để nối mạng điện lưới, nhằm khuyến khích các chủ trang trại đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn để tận dụng hết khí gas sinh ra nhằm đem lại lợi nhuận cho chủ trang trại, giảm thiểu tình trạng xả khí CH4 trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ thu gom, vận chuyển chất thải chăn nuôi. Có chính sách hỗ trợ các DN nhỏ, trang trại, nông hộ thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ để bán và sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xu hướng chăn nuôi giảm phát thải