So với các ngành xã hội, các ngành liên quan tới lĩnh vực khoa học công nghệ được nhiều thí sinh lựa chọn trong năm nay.
Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ GDĐT, 4 nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Kinh doanh và quản lý. Số liệu này cho thấy, sức hút của nhóm ngành công nghệ trong một vài mùa tuyển sinh gần đây.
Nhu cầu đào tạo ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính cũng tăng nhanh thể hiện qua các con số thống kê của Bộ GDĐT. Nếu năm 2019 có 46.173 sinh viên nhập học thì đến năm 2022, số lượng sinh viên nhập học bậc đại học các ngành Công nghệ thông tin tăng lên 56.260 sinh viên.
Năm 2023, xu thế lựa chọn các ngành nghề của học sinh khối 12 tiếp tục có sự dịch chuyển sang các ngành khoa học công nghệ như: Công nghệ thông tin, điện tử, trí tuệ nhân tạo, cơ khí chế tạo…
Dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về xu hướng phát triển của các ngành nghề trong tương lai, em Trịnh Bảo Ngọc, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, em xác định chọn ngành Công nghệ thông tin từ đầu năm học lớp 11. Nhất là trong thời gian gần đây, truyền thông nhắc nhiều tới trí tuệ nhân tạo, rồi sự ra đời của chatbot ChatGPT, Huệ tin rằng, thời điểm em ra trường, cơ hội việc làm sẽ rất rộng mở.
Tương tự, em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho hay, sở dĩ em quyết định lựa chọn khối ngành công nghệ bởi theo tìm hiểu của em, nhân lực ngành công nghệ đang được dự báo sẽ tiếp tục thiếu hụt trong tương lai. “Em rất yên tâm về lựa chọn của mình. Hơn nữa, ngành này cũng được bố mẹ em ủng hộ và phù hợp với đam mê của em”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023 đang tới gần. Tới thời điểm này, bên cạnh số học sinh lớp 12 đã có lựa chọn ngành nghề thì có không ít học sinh cuối cấp đang băn khoăn, lo lắng trong việc lựa chọn ngành, chọn trường khi đứng trước bước ngoặt lớn.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, TS Đoàn Trung Sơn, chuyên gia An ninh mạng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa nhìn nhận, trong 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận định, trong 3 năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhu cầu học tập, làm việc từ xa khiến công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Đây là một trong những nguyên nhân mà ngày càng nhiều học sinh lựa chọn khối ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin gia tăng đột biến trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây.
Năm nay, trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt sự ra đời của ChatGPT khiến những ngành học liên quan tới lĩnh vực này càng tăng sức hấp dẫn.
Dù sự ra đời của ChatGPT được dự đoán sẽ thay thế một số ngành nghề, một số công ty công nghệ về công nghệ sa thải công nhân… nhưng TS Sơn cho rằng, nhìn tổng quan, những yếu tố tiêu cực này không ảnh hưởng tới số lượng thí sinh đăng ký vào ngành học này trong mùa tuyển sinh năm nay.
Dự đoán sẽ có nhiều cơ hội việc làm liên quan tới lĩnh vực công nghệ trong tương lai, mức thu nhập từ ngành nghề này cũng cao hơn so với các ngành khác, tuy nhiên, TS Đoàn Trung Sơn nhìn nhận, công tác định hướng nghề nghiệp ở cấp phổ thông hiện còn hạn chế nên thực tế nhiều thí sinh lựa chọn nghề còn theo cảm tính, chưa có định hướng đúng đắn.
Chuyên gia này đưa ra lời khuyên, thí sinh nên lựa chọn nghề dựa trên khả năng, đam mê và nền tảng gia đình. Đây là những yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó, các em nên lựa chọn ngành nghề mà xã hội cần trong bối cảnh thay đổi lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên đo lường, đánh giá của chuyên gia.
“Ở bậc đại học, thầy cô chỉ là người trang bị kiến thức cho các em. Còn tương lai, các em muốn việc làm tốt, thu nhập tốt thì trong quá trình học phải tự chủ, sáng tạo trong học tập, tìm phương thức học tập tốt để đạt kết quả cao nhất”, TS Đoàn Trung Sơn chia sẻ.
Còn theo TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, nhà tuyển dụng còn yêu cầu ứng viên phải có năng lực tiếng Anh. Kết quả khảo sát nguồn nhân lực cho thấy 87% nhà tuyển dụng yêu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải có tiếng Anh.
Tuy nhiên, TS Viên cho hay, chỉ có 35% sinh viên tốt nghiệp có năng lực, kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Do đó, thí sinh muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin cần chuẩn bị tinh thần để trau dồi trong suốt quá trình học tập.
Sáng 1/3, Bộ GDĐT đã công bố đề thi minh họa và lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Trong đó, ngày 27/6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 dự phòng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết, kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Điểm mới của năm nay, lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái, vào tuần cuối của tháng 6 thay vì vào tháng 7 như các năm trước).
Vụ trưởng lý giải, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lịch thi diễn ra vào tháng 7. Năm nay khi cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn. Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để trong tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.