Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản không ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh Covid-19. Thời gian tới, ngoài những sản phẩm nhà ở bình dân, cao cấp, thị trường sẽ được chú ý bởi sản phẩm nhà ở “hàng hiệu”.
Nhà ở hạng sang, “hàng hiệu” được quan tâm
TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển và kinh doanh cho rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế trong nước ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, những người thu nhập thấp, người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Riêng giới giàu, siêu giàu không bị dịch Covid-19 tác động nhiều và dễ dàng vực dậy nhanh. Đây cũng chính là điều kiện tốt để nhà ở hạng sang, nhà “hàng hiệu” phát triển.
Nói đến phân khúc nhà ở hàng hiệu, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam cho rằng, dịch bệnh vừa qua người dân bị giãn cách trong thời gian dài. Tuy nhiên, những dự án nhà ở hạng sang vẫn thu hút được nhiều sự chú ý. Vì vậy, sau đợt dịch bệnh lần này phân khúc nhà ở “hàng hiệu” sẽ được quan tâm nhiều hơn. Dù giá trị của căn hộ phân khúc này khá cao, song trải nghiệm tốt khi sống nên rất nhiều người vẫn quyết định lựa chọn.
“5 năm trở lại đây, “khẩu vị” của người mua, đặc biệt là giới giàu và siêu giàu đã hướng đến phân khúc này rồi”, bà Dung nói. Cùng quan điểm, ông Gibran Bukhari – Giám đốc khối Kinh doanh Masterise Homes chia sẻ: “Ngay từ thời điểm trước đại dịch, chúng tôi ghi nhận nhu cầu rõ rệt của thị trường bất động sản “hàng hiệu”. Nhưng khi dịch bệnh ập đến, những biến đổi tâm lý và lối sống mới càng làm nổi bật lên những giá trị của phân khúc bất động sản này”.
Đánh giá cao giá trị đem lại của sản phẩm bất động sản “hàng hiệu” và coi đây xu hướng phát triển tất yếu, thế nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng, có một số rào cản kìm hãm sự phát triển của phân khúc nhà ở này. Theo ông Nghĩa, người dân chưa quen với cuộc sống trong khuôn viên chứa đựng tất cả các yếu tố về việc làm, nghỉ dưỡng, thư giãn, gần gũi thiên nhiên,… nên phân khúc này chưa phát triển mạnh tại Việt Nam. Còn ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam cho rằng, lối sống không khoa trương của người Việt cùng tính khiêm tốn cao nên bất động sản “hàng hiệu” chưa thật sự phát triển ở trong nước. Khi nào người dân Việt Nam vượt qua sự e dè, không ngại dự luận “xì xào” là mình giàu có, khi đó mặt hàng nhà ở “hàng hiệu” sẽ “cất cánh”.
Nguồn cung khan hiếm
Ghi nhận của giới chuyên môn, thị trường Việt Nam đang tìm kiếm những thương hiệu nhà ở “hàng hiệu”. Những thương hiệu lớn mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý. Đặc biệt, dịch Covid-19 thôi thúc nhu cầu của người dân với phân khúc này cấp thiết hơn. Thế nhưng nguồn cung phân khúc này lại rất khan hiếm trên thị trường Việt Nam. Hiện Việt Nam chỉ ghi nhận những dự án “hàng hiệu” nghỉ dưỡng ven biển. Còn lại, nhiều dự án đang được các chủ đầu tư xây dựng và hứa hẹn cung cấp thị trường những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp vượt trội. Bà Dương Thùy Dung cho rằng, thời điểm hiện tại, nguồn cung bất động sản hạng sang ở Việt Nam hầu như không có trên thị trường. Tương lai, có nhiều chủ đầu tư đã và đang lên kế hoạch phát triển phân khúc này. “Phát triển sản phẩm “hàng hiệu” chắc chắn có yêu cầu khắt khe về chất lượng, quy cách sản phẩm nên phải chọn đối tác quan trọng làm sao kết hợp đưa ra sản phẩm hoàn hảo. Việc này vô cùng khó khăn nên nguồn cung trên thị trường rất khan hiếm”, bà Dung nhấn mạnh.
Dù vậy, vẫn nhiều ý kiến đặt kỳ vọng cao vào phân khúc mới này với lý do tốc độ tăng trưởng của giới giàu, siêu giàu ở Việt Nam tăng mạnh trong 5 năm tới. Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Repport) năm 2021 được hãng tư vấn Knight Frank công bố, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới. Dự kiến, tới năm 2025 Việt Nam sẽ có 51 người có tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.000 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. Liên quan đến triển vọng thị trường bất động sản “hàng hiệu”, đại diện Savills Việt Nam (đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản) cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 10 thị trường bất động sản “hàng hiệu” phát triển nhanh nhất thế giới. Nguồn cung của phân khúc này tăng bình quân 11% từ năm 2017. Đến quý 1/2021, Việt Nam đã có 24 dự án bất động sản “hàng hiệu” với 2.200 căn hộ, tập trung chủ yếu tại các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển.