Ngày 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Báo cáo kết quả giám sát đã cho thấy nhiều bất cập. Đơn cử như Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch ban hành chậm 14 tháng so với quy định. Chưa kể, có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập.
Đáng chú ý, theo ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát, đến thời điểm hiện nay mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4 trong tổng số 38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Hiện chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt, trong đó mới chỉ có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập quy hoạch vùng và được thẩm định.
62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, còn lại TP Hồ Chí Minh trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định trong tháng 2 này.
Đánh giá cho thấy, những bất cập trên chủ yếu liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan. Liên quan đến chi phí cho hoạt động quy hoạch. Đồng thời các quy định về đấu thầu, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành trước khi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công có hiệu lực.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, có 2 vấn đề quan trọng đối với công tác quy hoạch là tiến độ và chất lượng. Do đó, đoàn giám sát cần đánh giá kỹ về chất lượng công tác quy hoạch. Không vì đẩy nhanh tiến độ mà giảm chú ý đến chất lượng công tác quy hoạch. Đồng thời, bổ sung thêm cơ sở chính trị pháp lý của việc giám sát, chỉ rõ những vướng mắc trong quy định của văn bản pháp luật và đề xuất sửa đổi để tháo gỡ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu quy hoạch đi trước một bước, bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Do đó cần làm rõ trách nhiệm để chậm trễ trong lập quy hoạch.
“Nếu quy hoạch chậm, chất lượng quy hoạch thấp thì không những không thúc đẩy sự phát triển mà còn kìm hãm sự phát triển. Sau cuộc giám sát phải trả lời cho Quốc hội, nhân dân cử tri về danh mục văn bản hướng dẫn Luật quy hoạch, thời hạn hoàn thành theo quy định?”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với những nhận xét bước đầu và thống nhất với nhận định việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các quy hoạch đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Ông Phương cũng yêu cầu: Sau cuộc giám sát phải làm rõ được các nội dung như: danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của luật; đối chiếu danh mục hệ thống quy hoạch thực tế đã làm, chất lượng và tiến độ cụ thể ra sao; đánh giá chất lượng và tiến độ quy hoạch; thời gian giao nhiệm vụ, lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thời gian triển khai thực hiện.
“Cần đánh giá chung về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, chỉ rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, và đưa ra kiến nghị sát với những nội dung đã phân tích cho từng đối tượng”- ông Phương nêu rõ.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua; bổ sung, hoàn thiện các quy định đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh khi phát sinh tình huống đặc biệt chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19; giải quyết những vấn đề mới đặt ra để phát triển, hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh.