Chính trị

Xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội: Tạo điều kiện để người trẻ chuộc lỗi lầm

H.Vũ 11/06/2024 09:33

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên vừa được trình Quốc hội đang nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH.

anhbaitren(1).jpg
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ trình bày ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Quang Vinh.

Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang có chiều hướng gia tăng, trong đó xuất hiện cả những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động.

Điều đáng nói, trước đây trẻ vị thành niên chủ yếu vi phạm các tội danh như: trộm cắp, gây rối trật tự công cộng thì hiện nay, các hành vi phạm tội có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn với các tội danh như cướp tài sản, giết người, buôn bán, sử dụng ma túy. Tội phạm ngày càng trẻ hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai mỗi cá nhân, sự ổn định của các gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người xung quanh, gây bất an trong xã hội và tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Vậy “ứng xử như thế nào”? để ngăn chặn tình trạng trẻ hoá và việc chế tài xử lý đối với trẻ vị thành niên như thế nào? là vấn đề đang được đặt ra. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Tại Công ước này có đưa ra khuyến cáo các quốc gia thành viên phải có đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên. Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đã chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến, và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) được kỳ vọng có những chính sách mới đối với người chưa thành niên.

Hiện vấn đề đang được quan tâm nằm ở việc, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tập trung sửa quy định về biện pháp chuyển hướng. Đây là quy định theo đánh giá là vừa nhân văn với người chưa thành niên nhưng cũng an toàn cho cộng đồng. Theo đó, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định 3 biện pháp xử lý chuyển hướng: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, Luật có 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng để giám sát, và một biện pháp xử lý chuyển hướng tại trường giáo dưỡng là biện pháp rất tiến bộ để khắc phục thực trạng 6 năm thi hành Bộ luật Hình sự chỉ có 35 trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp chuyển hướng.

“Lần này dự thảo Luật tập trung sửa quy định về biện pháp chuyển hướng là chính đáng. Tán thành 12 biện pháp, tán thành việc mở rộng các trường hợp được hưởng biện pháp xử lý chuyển hướng”- bà Thủy nói và cho rằng Luật cũng mở rộng hình phạt cảnh cáo không chỉ với tội ít nghiêm trọng như hiện nay mà còn mở rộng với lỗi nghiêm trọng nếu vô ý là nhân văn và nên được chấp nhận.

Từ kinh nghiệm 12 năm làm việc trong ngành Toà án, ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn cho rằng, nên xử lý chuyển hướng sớm đối với người chưa thành niên. Bởi nếu không xử lý chuyển hướng sớm, chờ đến khi Toà án kết luận mới chuyển hướng sẽ làm mất đi cơ hội của các em, các cháu ở lứa tuổi đang trong quá trình thay đổi tâm sinh lý. Nếu xử lý chuyển hướng sớm và tách các cháu ra ngay từ giai đoạn điều tra có lẽ các cháu sẽ không sa vào.

“Vì có cháu 14-15 tuổi đi theo người lớn với vai trò tiếp sức. Người lớn bảo cầm cho con dao, cây gậy, đánh chẳng may vào đúng chỗ hiểm dẫn đến nạn nhân tử vong, thì sẽ thuộc vào tội nghiêm trọng với vai trò giúp sức đồng phạm. Chưa kể, người lớn bảo cầm cho cái túi, cái bọc, các cháu không biết là cái gì và làm theo. Đến khi bị bắt thì các cháu lại trở thành người vận chuyển ma tuý. Do đó nên chuyển hướng càng sớm càng tốt, ngay từ giai đoạn điều tra, còn hơn là bắt tạm giam các cháu 1 năm trong trại giam, lúc đó các cháu dễ bị tiêu cực tác động” - ông Chinh phân tích và cho rằng nên tạo cơ hội cho các cháu chuộc lại lỗi lầm, học văn hoá để định hình lại ý thức nhân cách của mình. Tách vụ án càng sớm càng tốt, tạo điều kiện cho các cháu chuộc lại lỗi lầm.

Ông Trần Đức Thuận, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội cho rằng, tội phạm manh động như giết người, cố ý gây thương tích, trộm cướp đang có xu hướng trẻ hoá. Do đó cần rà soát, quan tâm đến người chưa thành viên phạm tội để có chính sách hợp lý.

ĐB Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cũng cho rằng, cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

Liên quan đến biện pháp xử lý chuyển hướng, thảo luận tại Tổ 3, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ quan điểm rằng, nội dung này cần quy định, lập luận chặt chẽ hơn, cụ thể hơn để quy định xử lý chuyển hướng sớm với tinh thần giảm hình phạt tù, mở rộng hình thức phạt tiền sao cho phù hợp, đồng thời quy định rõ hơn về thu hẹp các trường hợp tạm giam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội: Tạo điều kiện để người trẻ chuộc lỗi lầm