Trong nhiều năm qua, tại Nghệ An tình trạng khai thác cát, sỏi luôn là vấn đề nhức nhối. Nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị “nuốt trôi” làm xuất hiện tình trạng sạt lở.
Khai thác vượt 200%
Những xà lan cỡ bự, những chiếc thuyền chở đầy cát nối nhau chạy về các bãi tập kết là hình ảnh thường thấy dọc theo dòng Lam đoạn qua các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…trong nhiều năm qua. Do nhu cầu xây dựng lớn nên tình trạng khai thác cát, sỏi cũng sôi động không kém, dẫn đến việc nhiều diện tích đất sản xuất của người dân dọc 2 bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An cũng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp khai thác lượng cát, sỏi vượt mức cho phép. Cụ thể, tại huyện Nam Đàn, sau quá trình kiểm tra, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành vì hành vi khai thác cát vượt mức này. Đây là một trong những hợp tác xã có nhiều xà lan khai thác cát nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hợp tác xã này hiện có tới 53 xà lan, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua các xã Khánh Sơn, Tân Thượng Lộc…
Điều đáng lo ngại là hợp tác xã này đã khai thác vượt mức cho phép trong suốt 2 năm liền mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không hề phát hiện ra. Để rồi, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Nghệ An vào cuộc kiểm tra thực tế, đồng thời đối chiếu với hóa đơn thuế, mới phát hiện trong năm 2020, Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành đã khai thác vượt 80,8% công suất cho phép. Còn năm 2021 thì vượt 171,6% công suất được phép khai thác hàng năm.
Còn tại huyện Thanh Chương, khi kiểm tra Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương, đoàn liên ngành đã phát hiện đơn vị này khai thác cát vượt mức cho phép trên 200% (năm 2020 vượt 211,2%; năm 2021 vượt 208,6%). Công ty này sau đó cũng đã bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng. Cũng với hành vi này, vào tháng 9/2022, tỉnh Nghệ An cũng đã xử phạt vi phạm hành chính công ty TNHH Hoàng Nguyên 300 triệu đồng về hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản. Công suất được phép khai thác cát hàng năm của công ty này là 23.920m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty này đã khai thác 30.751,5m3, vượt 28,5% công suất, với khối lượng vượt là 6.831m3. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Nghệ An cũng buộc Công ty TNHH Hoàng Nguyên phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.
Vì sao khó xử lý?
Để kiểm soát thực trạng khai thác vượt công suất như vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 54/KH-UBND ngày 1/2/2023 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Ngoài việc yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương…tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản… Phải thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm việc thực hiện lắp đặt camera, trạm cân của các doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ để ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa khoáng sản trái phép, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản chưa được cấp phép.
Nói về việc khó kiểm soát các mỏ cát khai thác vượt công suất, trả lời báo chí, ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, trên địa bàn huyện có 8 khu vực mỏ được cấp phép khai thác cát, sỏi. Riêng tình trạng khai thác cát trái phép cũng như khai thác cát ngoài điểm mỏ được cấp phép, địa phương đang xử lý. Tuy nhiên, về việc khai thác vượt công suất, rất khó giám sát.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Đô Lương cũng cho rằng: Đây là vấn đề khó giám sát. Đồng thời cho biết, trên thực tế một số doanh nghiệp cũng có lắp camera và bố trí cân trọng tải, tuy nhiên chỉ là để đối phó với đoàn kiểm tra. Để giám sát được, có lắp camera và cân trọng tải thôi chưa đủ, mà còn phải kết nối hệ thống camera đó với phía Công an và Chi cục Thuế, nhưng hầu như chưa có.
Phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Thành Lâm - Trưởng Phòng TNMT huyện Nam Đàn nhưng ông Lâm từ chối, không trả lời, đồng thời cho rằng phóng viên “muốn nắm thông tin thì liên hệ với tỉnh, đơn vị xử phạt mà hỏi” - ông Lâm thoái thác.
Trao đổi với ông Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, ông Ngọc cho biết: Cả Sở TNMT và chính quyền địa phương đều có chức năng giám sát việc khai thác đúng công suất. Tuy nhiên, khi được hỏi, vì sao giám sát nhưng các đơn vị khai thác vẫn khai thác vượt công suất hàng trăm % thì ông Ngọc nói rằng mình đang họp và không trả lời.