Mua bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), hay còn gọi là mua bán trực tuyến đang nở rộ. Tuy nhiên, môi trường điện tử cũng chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các loại hàng gian, hàng giả xâm nhập lừa đảo người tiêu dùng.
Vụ việc nổi cộm nhất là khi Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News chính thức khởi kiện Lazada (thuộc Công ty Recess - Tập đoàn Alibaba) vì cho rằng sàn TMĐT này có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, cho biết phía Công ty đã nhiều lần cảnh báo sau hơn 2 năm phát hiện các sàn TMĐT ở Việt Nam trực tiếp, gián tiếp tiếp tay tiêu thụ sách giả số lượng lớn của các nhà xuất bản ở Việt Nam.
“Rất nhiều sách giả để giá bìa cao hơn sách thật 30-50% để giảm giá bán bằng giá bìa sách thật. Phía First News đặt ngẫu nhiên 86 đơn hàng các sách của First News cùng các nhà xuất bản khác đang giảm giá 50% trên Lazada, lúc mở ra thấy rằng tất cả đều là sách giả, kém chất lượng và sai sót”, ông Phước nói.
Không chỉ với sách giả, nhiều mặt hàng giả khác đến nay vẫn còn buôn bán tràn lan không chỉ trên các sàn TMĐT mà còn ở các hình thức kinh doanh trực tuyến khác. Điều này khiến cho cơ quan quản lý phải liên tiếp mở các cuộc kiểm tra.
Điển hình mới nhất ngày 3/9/2020, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng với Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra tại 7 địa điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc là phụ tùng xe máy, xe điện tại quận 5 và quận 11.
Đặc biệt là khu Chợ Tân Thành - địa điểm kinh doanh phụ tùng xe máy nổi tiếng tại TPHCM, lực lượng chức năng đã thu giữ được 33.069 sản phẩm phụ tùng xe trị giá gần 1,1 tỷ đồng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, một số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu của hãng nổi tiếng thế giới về phụ tùng, phụ kiện xe gắn máy.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn phát hiện các cửa hàng nêu trên đã thiết lập một số website như www.vutru.vn; www.xemayanhem.com; www.phutunganhem.com để giới thiệu và đăng bán sản phẩm.
Qua kiểm tra, các cửa hàng này khi thiết lập website TMĐT bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Mặt khác, các cửa hàng còn vi phạm khi không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website và các thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng... khi đặt hàng trực tuyến trên website TMĐT.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng hàng gian, hàng giả hoành hành trên các sàn TMĐT có phần thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo một đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng tại TPHCM, việc phát hiện bán hàng giả không quá khó, chỉ cần nghi có dấu hiệu về mặt giá cả và đặt mua hàng đảm bảo sẽ phát hiện không ít hàng vi phạm, lúc đó việc “phá án” trở nên dễ dàng.
Khi các sàn TMĐT thường xuyên bị phát hiện và phạt nặng, thậm chí là đóng cửa một thời gian, hoặc bị khởi tố, ắt hẳn họ phải trách nhiệm hơn trong việc tuyển chọn hàng hóa để đưa lên sàn, thậm chí là không dám câu kết để đưa hàng giả lên sàn.
Bên cạnh đó, cùng với việc điều chỉnh các văn bản pháp luật để siết chặt hơn tình trạng bán hàng giả trên môi trường TMĐT, thì cũng cần có sự tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động; cũng như cần có quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý mạng xã hội.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động thương mại điện tử cũng đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân.
Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng...