Xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi(?!)

Phương Nguyên 09/09/2015 06:00

Trước tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tràn lan, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Cần xử lý hình sự việc tàng trữ và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi(?!)

Tiền Giang: 25/38 mẫu dương tính

Ngày 7/9/2015, Bộ NN&PTNT ra Chỉ thị về việc tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng.

Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính các đối tượng vi phạm bởi hành vi dùng chất cấm này không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị tố giác và tẩy chay.

Các lò mổ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ. Các chợ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của lợn và bò thịt.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, chỉ trong 6 tháng đầu năm, kết quả cho thấy tình trạng sử dụng chất tạo nạc tại nhiều địa phương trong đó tiêu biểu là một số tỉnh ở khu vực phía Nam kể cả TP Hồ Chí Minh đã đáng báo động.

Chi cục Thú y TP HCM đã lấy tiến hành lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô đã phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao sabutamol (một trong 3 chất tạo nạc phổ biến có mặt tại thị trường Việt Nam) thuộc 7 lô lợn. Trong 7 lô lợn dương tính với sabutamol thì có 4 lô ở Đồng Nai, 2 lô ở Tiền Giang và 1 lô ở Long An.

Tại Đồng Nai, diễn biến của việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi rất phức tạp. Với 44 trang trại trên tổng số 2.000 trang trại hiện có của tỉnh này, đoàn kiểm tra đã phát hiện tới 14 trang trại sử dụng chất cấm sabutamol. Chi cục Thú y Đồng Nai đã tiến hành xử phạt hoặc chuyển cho huyện xử phạt hành chính với các trang trại vi phạm, tập trung tại huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Biên Hòa.

Tình hình trở nên nghiêm trọng khi không chỉ phát hiện chất tạo nạc trong thịt lợn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà một số lô lợn có xuất xứ từ hai công ty chăn nuôi lớn là CP và Anco cũng xuất hiện chất tạo nạc. Hiện Công ty có tổng đàn lợn 95.000 con, một trang trại tập trung. Mỗi tháng Công ty xuất bán khoảng 14.000 con cho các thương lái.

Tuy nhiên, do quá trình kiểm soát và giám sát sau xuất bán không chặt chẽ của Công ty đã tạo kẽ hở để cho các tư thương “quay đầu” sản phẩm, dùng các chất tạo nạc vỗ “nạc” cấp tốc cho lợn trong vòng 3 – 5 ngày trước khi giết thịt.

Sở dĩ có hiện tượng này là do Công ty Anco đã giao phiếu tiêm phòng vắc xin và giấy xuất bán cho thương lái nhưng không có biện pháp theo dõi hay kiểm soát. Do đó công ty chưa nắm được việc một số thương lái mua lợn của công ty về nuỗi vỗ béo, sau đó mới xuất bán.

Tại tỉnh Tiền Giang, qua thông tin đại chúng và phản ánh của người dân, thanh tra liên ngành phối hợp với công an Tiền Giang đã tiến hành kiểm tra 38 mẫu thì có tới 25 mẫu dương tính với sanmotamon. Truy xuất cơ sở Khoa Nguyên với những lô hàng thức ăn chăn nuôi bổ sung sản xuất vào tháng 7/2014 đoàn kiểm tra đã phát hiện những vi phạm.

Công ty thừa nhận có tới 15 loại thuốc thú y không có trong danh mục quy định vẫn được công ty này sản xuất. Trước hành vi này, Sở NN&PTNT Đồng Nai đã thực hiện xử lý vi phạm, phạt doanh nghiệp này lên đến 442 triệu đồng và đình chỉ hoàn toàn sản xuất thuốc thú y, đình chỉ tạm thời 1 tháng sản xuất thức ăn bổ sung

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sở dĩ có hiện tượng trên là do giá lợn hiện tại đang cao, người chăn nuôi hám lợi.

Nguyên nhân thứ hai là do thói quen tiêu dùng, mọi người thích ăn thịt lợn nạc hơn.

Nguyên nhân thứ ba là các cơ quan chức năng địa phương xao nhãng trong vấn đề quản lý. Nguyên nhân thứ tư là tỷ lệ dương tính giả của các mẫu nước tiểu rất nhiều. Số liệu của thanh tra mới là kiểm tra lần 1, phải phân tích sâu hơn mới cho kết quả chính xác.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay, trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vọng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao.

Xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi(?!) - 1

Sử dụng chất tạo nạc tiến tới sẽ bị xử lý hình sự.

Cần xử lý hình sự

Trước tình trạng bùng phát sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn, theo ông Nguyễn Xuân Dương, cần xử lý hình sự đối với những hành vi nguy hiểm như trộn sabutamol vào thức ăn chăn nuôi. Người đứng đầu ngành thì kiên quyết vậy nhưng nhiều địa phương mới dừng lại ở việc phát hiện chứ chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Đơn cử tại tỉnh Đồng Nai, Đoàn thanh tra liên ngành của Bộ NN&PTNT cũng đã kiến nghị sự vào cuộc của tỉnh chậm. Tại đây, việc phối kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp và cơ quan công an chưa kịp thời. Kết quả kiểm tra là như vậy nhưng khi làm việc với PC46 Đồng Nai thì phát hiện ra những hồ sơ sai phạm trên chưa được chuyển sang cơ quan này. Hơn thế, tình trạng phối kết hợp truy xuất giữa các tỉnh thành hiện nay cũng vẫn còn rất chậm.

Để hạn chế vấn nạn này, theo Cục Chăn nuôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền tố giác người chăn nuôi sử dụng những chất cấm. Việc này cần sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là nhân dân. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, tăng tần suất kiểm tra, đặc biệt là ở cấp địa phương và đơn giản hóa quy trình kiểm tra.

“Phải xử lý thật nghiêm, một DN vi phạm mà bị xử phạt hơn 400 triệu, dừng kinh doanh tạm thời 1 tháng thì phá sản... Pháp lý không hề thiếu. Điều 155 và 188 Bộ Luật Hình sự đã hình sự hóa nội dung liên quan. Về khung pháp chế chỉ cần làm đủ những quy định đang có, cùng với các ngành và địa phương vào cuộc thì tình hình sẽ được cải thiện rõ rệt ngay. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ luật Hình sự cần cụ thể hóa hơn để xử lý hình sự việc sử dụng chất cấm…’’ ông Dương nhấn mạnh.

Thu giữ hàng tấn nguyên liệu bánh trung thu không nguồn gốc

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 8/9, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Trong 8 tháng đã kiểm tra, xử lý 917 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt tổng số tiền hơn 4,4 tỉ đồng. Riêng với mặt hàng bánh trung thu đã kiểm tra 29 vụ, đang xử lý 23 vụ vi phạm, đã xử lý 6 vụ với tổng số tiền phạt hành chính 47 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm tiêu hủy là 37,8 triệu đồng.

Điển hình như một số vụ kiểm tra sản xuất bánh trung thu ở cơ sở 83 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội thu giữ hàng hóa vi phạm với 1 tấn nhân bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giá trị hàng hóa vi phạm 30 triệu đồng, xử phạt vi phạm 23 triệu đồng; Đội QLTT số 5 kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ làm bánh tại địa chỉ số 164 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội thu giữ hàng hóa vi phạm là 376 sản phẩm là nguyên liệu là bánh trung thu như nhân bánh, nước đường… Trị giá hàng hóa vi phạm là 7,8 triệu đồng; xử phạt 9 triệu đồng.

A.Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi(?!)