Trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành thuế thu nợ thuế đạt hơn 37.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ thuế vẫn có xu hướng tăng. Vì vậy, nhiều biện pháp sẽ được ngành Thuế triển khai trong thời gian tới nhằm thu hồi vào ngân sách nhà nước và kéo giảm số nợ thuế.
Tạm hoãn xuất cảnh
Trong thời gian vừa qua, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) bị hoãn xuất cảnh với nguyên nhân do nợ thuế. Chẳng hạn Chi cục Thuế khu vực Tiên Du - Quế Võ, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), về việc tạm hoãn xuất cảnh 10 đại diện theo pháp luật của DN nợ thuế đang hoạt động trên địa bàn huyện Tiên Du.
Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan TPHCM đã có quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh với hàng chục cá nhân là đại diện pháp luật của DN do nợ thuế.
Trong đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV đã gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Huy Bình - Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH thương mại hóa chất Hải Đăng. Lý do: công ty ông Bình chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977,2 triệu đồng tiền thuế.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV cũng thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Hữu Huỳnh - Giám đốc, đại diện pháp luật chi nhánh Công ty TNHH công nghệ thực phẩm An Thái, do công ty này nợ thuế.
Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông báo về việc đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các DN nợ thuế.
Cấm xuất cảnh là một trong những biện pháp đảm bảo thu hồi nợ thuế, chống chây ỳ nợ thuế, chủ yếu tập trung vào đối tượng là những người đại diện pháp luật của pháp nhân nợ thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, biện pháp được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Với pháp nhân đang thuộc diện có quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế thì sẽ gửi quyết định về doanh nghiệp. Với cá nhân thông thường, cơ quan thuế sẽ có tin nhắn nhắc nhở, đôn đốc người nộp thuế.
Nợ thuế gia tăng
Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm 31/5/2024, tổng nợ toàn ngành thuế đang quản lý ước tính là 199.964 tỷ đồng (tăng 1,5% so với thời điểm ngày 30/4/2024). Nếu loại trừ số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ước tính đến thời điểm 31/5/2024 là 176.491 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm ngày 30/4/2024.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tại thời điểm 31/5/2024 tăng so với thời điểm 31/12/2023 chủ yếu ở các khoản nợ liên quan đến đất do các khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao.
Trong các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn (ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công an, thông tin - truyền thông, quy hoạch - kiến trúc, kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, tài chính, xây dựng, quản lý xuất nhập cảnh...) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng. Đặc biệt, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa, kéo dài, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan liên quan phân loại, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân để sớm xử lý nợ thuế.
Đối với các đơn vị chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh, thành phố thu hồi đất theo quy định; đồng thời cung cấp thông tin, triển khai kịp thời các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công khai thông tin tổ chức, cá nhân chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, người đại diện theo pháp luật của DN nợ thuế đều là những trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là một trong những giải pháp quyết liệt nhằm thu hồi nợ cho ngân sách nhà nước.