Đó là vấn đề được Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường kiến nghị khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, diễn ra ngày 7/11.
3 nút thắt
Ông Cường cho rằng: Điều 10, Hiến pháp năm 2013 quy định “Công đoàn Việt nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.
Cụ thể hóa quy định này, Khoản 1, Điều 88 Bộ luật Lao động quy định Công đoàn cơ sở có quyền “Tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động”; Khoản 8, Điều 10 Luật Công đoàn quy định quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, đó là “Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm”; Điểm d, Khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội trao quyền cho tổ chức Công đoàn “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội” và Bộ luật Tố tụng dân sự, tại Khoản 2, Điều 162 cũng quy định “Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định”.
Bên cạnh đó, ngoài các quy định về khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật xử lý vi phạm hành chính quy định xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; Bộ luật hình sự quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Điều 216.
Tuy nhiên theo ông Cường, về việc khởi kiện nợ bảo hiểm ra Tòa án, sau gần 2 năm thực hiện, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.352 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển sang. 20 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã khởi kiện đến các cấp Tòa án với tổng số 187 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, trong 187 vụ do Công đoàn khởi kiện, Tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, trả lại 48 hồ sơ khởi kiện, số còn lại không thụ lý hồ sơ do thứ nhất, không có giấy ủy quyền của tập thể lao động hoặc công đoàn cơ sở ủy quyền cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện. Thứ hai không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính và hình sự. Thứ ba, tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Trốn, nợ gần 15.000 tỷ đồng
Cho rằng, việc Tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, làm cho số nợ bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng, ông Cường đưa ra phân tích:
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ước khoảng gần 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện có khoảng gần 2000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193.000 người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo”, chưa có hướng giải quyết.
Từ đó, ông cho rằng, việc doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, trong đó không ít doanh nghiệp hàng tháng vẫn đều đặn trừ lương của người lao động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, mà còn tác động xấu đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ và đảm bảo an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững đất nước. Trong khi đó, khung pháp lý của chúng ta còn nhiều bất cập, việc thực thi pháp luật trên thực tế chưa nghiêm.
Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động, khắc phục những bất cập, ông Cường kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban các vấn đề xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, nhất là hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội. Nếu thấy có những quy định chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau, cần giải thích để thống nhất áp dụng thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích pháp luật theo thẩm quyền.”Nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, thì Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung”-ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành lao động thương binh và xã hội, chính quyền các cấp làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội theo thẩm quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quan tâm, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật.
“Bộ Công an cần chỉ đạo Công an các cấp nắm tình hình, phối hợp với tổ chức Công đoàn phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố một số vụ án điểm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật hình sự. Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp nhận, thụ lý các vụ khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội và sớm đưa ra xét xử một số vụ để răn đe, cảnh báo, phòng ngừa các hành vi tương tự”- ông Cường kiến nghị.