Kinh tế

Xử lý tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

H.Hương 10/05/2025 13:20

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, hoặc thanh tra đột xuất (nếu cần thiết).

Trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tình trạng sở hữu này đã giảm đáng kể, khắc phục được tình trạng sở hữu cổ phần của ngân hàng thương mại tại một tổ chức tín dụng khác vượt tỷ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác...

Cũng theo đại diện NHNN, mặc dù chủ yếu phát sinh trước khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trực tiếp giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp (DN) đã dần được xử lý.

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã quy định chặt chẽ hơn về sở hữu cổ phần, theo đó các tổ chức tín dụng có sở hữu cao hơn quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư hướng dẫn có liên quan của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù vậy, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong công tác phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, việc kiểm soát sở hữu chéo rất khó khăn trong trường hợp cổ đông và người có liên quan của cổ đông cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch và chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc phát hiện mối liên quan giữa các DN còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các DN đặc biệt là các DN không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Đặc biệt việc sở hữu chéo có thể liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, trong đó hiện nay còn tồn tại tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại ngân hàng thương mại là DN nhà nước với tỷ lệ sở hữu khá lớn, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc yêu cầu cổ đông này thực hiện thoái vốn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết để ngăn ngừa tình trạng này, NHNN tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Thống đốc NHNN cho biết NHNN sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, hoặc thanh tra đột xuất (nếu cần thiết), trong đó quan tâm thanh tra các nội dung về tỷ lệ sở hữu cổ phần; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng, cấp tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng lớn (cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp....) nhằm phát hiện, chỉ đạo xử lý khắc phục các tồn tại, vi phạm trong hoạt động, nhất là các sai phạm về hoạt động cấp tín dụng, đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng