Lẽ thường, nhắc đến du lịch, ai cũng hiểu là đi đến một nơi nào đó nghỉ ngơi, hưởng thụ sau những ngày làm việc vất vả. Vì thế khi nói đến “tour 0 đồng”, người ta rất tò mò. Nhưng rồi mọi người nhắc đến nó không phải với sự tung hô mà ngược lại. Vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét lại tour du lịch này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận xã hội.
Khách du lịch thăm Tháp Bà (Nha Trang).
Khi hình thức du lịch “tour 0 đồng” ra đời, nó có chiều hướng phát triển ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là hình thức công ty lữ hành Trung Quốc nhận khách du lịch với giá 0 đồng. Theo đó, khách du lịch chỉ phải trả tiền vé máy bay, còn tiền ăn ở, tham quan được miễn hoàn toàn.
Sau đó các doanh nghiệp này lại “bán” khách cho doanh nghiệp khác, và khách tham gia tour không được hưởng những dịch vụ như đã cam kết, hoặc phải chi trả thêm tiền nếu muốn sử dụng dịch vụ...
Vì sao nó phát triển được? Câu trả lời rất đơn giản là bởi nó hấp dẫn từ ngay cái tên “0 đồng”. Đánh vào tâm lý ham của rẻ của phần lớn người dân, tour du lịch này đã nhanh chóng thu hút nhiều người tham gia.
Nhưng về bản chất, du khách không hề được hưởng lợi, bởi khi tham gia tour du lịch dạng này, họ không phải trả tiền vé và một số dịch vụ đi kèm (theo cam kết của DN) nhưng đổi lại, họ phải trả phí rất nhiều cho việc sử dụng dịch vụ, mua sắm tại các nhà hàng, khách sạn mà đã được “ấn định” bởi DN lữ hành.
Và đáng quan ngại hơn, tại các địa phương thu hút được lượng khách du lịch nói trên, tiền không hề chảy vào ngân sách các địa phương đó mà hầu hết “chảy” vào túi của các DN lữ hành. Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho hay, năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang và Đà Nẵng đạt hơn 800.000 lượt, du khách Hàn Quốc đạt xấp xỉ 500.000 lượt người.
Nhìn vào con số này, đáng lẽ phải là tin vui cho ngành du lịch, bởi Tổ chức Du lịch Thế giới và các quốc gia luôn luôn lấy lượng khách là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu khi thống kê và đánh giá về mức độ thành công phát triển của một quốc gia, điểm đến. Thế nhưng, ở trường hợp này lại khác.
Đây hoàn toàn không phải là tin vui cho du lịch Việt Nam khi mà việc bùng nổ về số lượng du khách nói trên chủ yếu đi theo tour giá rẻ, “tour 0 đồng”. Thực tế này đang khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp lo ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu.
Hay nói cách khác, sự xuất hiện và phát triển của “tour 0 đồng” đã và đang làm méo mó hình ảnh của thị trường du lịch ở nhiều nước trên thế giới, không riêng gì đối với Việt Nam. Các quốc gia châu Á, và cả quốc gia Âu Mỹ... đều đang tìm cách để xử lý với mong muốn giảm thiểu thực trạng này.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sớm chấn chỉnh hình thức du lịch “0 đồng” này.
Nhiều quốc gia đang tìm cách “tuyên chiến” với “tour 0 đồng”. Tại Hàn Quốc, 68 doanh nghiệp đã bị tước giấy phép hoạt động chỉ vì phục vụ theo hình thức “tour 0 đồng”, “tour âm đồng” cho thấy quốc gia này cũng rất quyết liệt trong việc xử lý hiện trạng này.
Dẫn chứng trên cho thấy, Chính phủ và ngành du lịch các nước đều muốn “xử tận gốc” hình thức du lịch này. Tuy nhiên, muốn làm được thì cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, trong đó có việc tăng cường giám sát các điểm mua sắm, cơ sở dịch vụ để chống thất thu thuế.
Về bản chất, tour giá rẻ hay tour 0 đồng không phải lỗi của công ty gửi khách, cũng không phải lỗi của công ty đón khách, càng không phải lỗi của khách du lịch mà phần lớn do hệ quả cung cầu của thị trường kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt của nó.
Bởi vậy, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, thái độ ứng xử của người dân cũng như các biện pháp quản lý của địa phương đều cần xoay quanh mục tiêu “lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm”.