Văn bản trái pháp luật không những cản trở người dân, doanh nghiệp mà còn gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực lớn đến xã hội, đặc biệt là những thiệt hại về kinh tế, nhưng lại khó xử lý trách nhiệm đối với người tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật. Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trao đổi với Đại Đoàn kết về vấn đề này.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà.
PV: Thưa ông, thời gian qua Bộ Tư pháp đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Theo ông nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Theo tôi, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức chưa đầy đủ của nhiều cơ quan về công tác xây dựng, kiểm tra văn bản. Việc xử lý trách nhiệm của người ban hành và người tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật chưa nghiêm. Chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp văn bản trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn còn một số vướng mắc bất cập; nhất là khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm của cơ quan cũng như người ban hành văn bản vẫn còn hạn chế. Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên thực tế chúng ta có thể xác định được thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây ra để từ đó có thể xác định việc bồi thường?
- Thứ nhất, việc ban hành và thi hành văn bản trái luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; trật tự, kỷ cương trong ban hành, thi hành văn bản quy phạm pháp luật; giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ hai, việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây tốn kém thời gian, công sức, nguồn kinh phí, ngân sách của Nhà nước.
Thứ ba, tác động tiêu cực của các văn bản trái pháp luật sẽ còn nặng nề hơn trong bối cảnh pháp luật hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp văn bản trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, từ đó làm gia tăng bức xúc trong dư luận.
Một số văn bản của địa phương có nội dung hạn chế quyền và cơ hội được làm việc của người lao động như: quy định điều kiện về hộ khẩu, phân biệt bằng cấp, giới hạn tuổi tác không đúng quy định.
Bên cạnh đó, một số văn bản của địa phương thậm chí còn đặt thêm nghĩa vụ hoặc cấm đoán người dân thực hiện các hành vi, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp bảo hộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý một số văn bản trái pháp luật, nhất là việc khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn hạn chế, chưa nghiêm. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi đồng tình với ý kiến này. Theo tôi cần phải xem xét cụ thể đối với từng văn bản được ban hành trái pháp luật để xác định trách nhiệm thuộc về tập thể cơ quan có thẩm quyền hay của cá nhân có thẩm quyền ban hành.
Đối với 26 văn bản được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ký, ban hành trái pháp luật cũng phải xem xét trách nhiệm với những văn bản này thuộc cá nhân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hay trách nhiệm tập thể.
Văn bản do UBND tỉnh,thành phố ban hành thì quy trách nhiệm cho UBND tỉnh, thành phố. Nếu văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành thì quy trách nhiệm cá nhân đối với vị chủ tịch.
Theo ông cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật?
- Để khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, tập trung xử lý triệt để các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật.
Trong đó, ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh, tiến tới hoàn thành việc kiểm tra ngay sau khi ban hành và trước thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản. Tăng cường xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là những văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội.
Về lâu dài, chúng ta phải xem xét toàn bộ quá trình từ giai đoạn trình dự án, dự thảo văn bản, cho đến quá trình tham gia góp ý kiến và quá trình thẩm định dự thảo văn bản, ban hành văn bản. Trong tất cả các giai đoạn của toàn bộ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, người có thẩm quyền tham gia đều có quyền lợi và trách nhiệm của mình. Không thể có chuyện khi có quyền lợi thì được hưởng, khi có sai phạm thì không bị quy trách nhiệm. Việc xem xét trách nhiệm của những cơ quan cá nhân ban hành văn bản trái pháp luật, chúng ta có chế tài.
Do đó, ngoài việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chúng ta cần củng cố, phát huy vai trò của tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan tư pháp địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!