Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Không có ngoại lệ

H.Vũ 23/02/2023 06:35

Ngày 22/2, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị thông tin công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đầu năm 2023 của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Một chốt kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023, cả nước đã xảy ra 2.515 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.458 người, bị thương 1.745 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 588 vụ, giảm 272 người chết, giảm 303 người bị thương.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng 4, Cục CSGT cho biết, trong đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023 lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện, xử lý 660.908 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 1.246 tỷ đồng. Tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 121.071 trường hợp; tạm giữ 9.408 ô tô, 175.781 mô tô, 21 phương tiện thủy. Đáng chú ý, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 117.381 trường hợp điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 540 tỷ đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Cục CSGT xác định 2 chuyên đề công tác trọng tâm tập trung thực hiện xuyên suốt trong năm 2023 là xử lý vi phạm về nồng độ cồn và chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông. Đối với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, yêu cầu các địa phương phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt, không có ngoại lệ. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn, giao thông, chống ùn tắc giao thông; phấn đấu kéo giảm TNGT và kéo giảm số người chết do TNGT, quyết tâm không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lỗi chủ quan.

Ông Trung cũng cho hay sẽ đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đặc biệt là các vi phạm liên quan hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, tập kết bến bãi, kinh doanh vận chuyển khoáng sản.

Trả lời về trường hợp người uống siro, nước hoa quả vi phạm nồng độ cồn? Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, ngưỡng xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được quy định rõ trong Nghị định 100 và các quy định hiện hành. Những trường hợp uống nước hoa quả, siro rất hãn hữu, bởi quy trình xử lý nồng độ cồn đã được tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham mưu các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan và tuân thủ theo luật và những quy định hiện hành.

Ông Đức cũng cho biết thêm, để xác định người vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc thực hiện theo nghiệp vụ thì sẽ đo theo 2 mức. Theo đó, đo định tính trước, sau đó mới đo định lượng. Do đó gần như không có trường hợp nào bị xử lý sai về kết quả nồng độ cồn.

"Việc đo nồng độ cồn hiện nay được thực hiện bằng hai bước: đo định tính, sau đó mới đo định lượng. Những người ăn hoa quả, sử dụng thuốc đau răng, uống siro… thì đã được đo bằng định tính, xác định có cồn mới đo bằng định lượng. Cảnh sát giao thông thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo không xử lý sai quy định" - Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Không có ngoại lệ