Xã hội

Xử lý vụ ‘xuất hiện vết nứt lớn ở Quảng Nam’

Tấn Thành 18/01/2024 11:32

Ngày 18/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, ông đã ký văn bản số 339/UBND-KTN gửi cơ quan chức năng về việc xử lý sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng dự án Kè sông Trường ở huyện Bắc Trà My.

W_vet-nut-1.jpg
Địa điểm xuất hiện vết nứt đe dọa đến bờ kè Sông Trường.

Theo đó, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Bắc Trà My tiếp tục thực hiện các biện pháp cảnh báo như cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm… để người dân biết, chủ động phòng tránh. Thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai, diễn biến sạt lở để chủ động thực hiện phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn. Chủ động phương án di dời, bố trí, sắp xếp các hộ gia đình có nguy cơ chịu ảnh hưởng tại khu vực nêu trên.

Trước mắt, vận động hộ bà Phạm Thị Hoa có 2 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời rà soát, kiểm tra quy hoạch xây dựng của huyện, trong đó có tuyến đường vòng quanh khu đồi Trạm khí tượng Trà My để phối hợp với các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) trong việc kết nối đoạn kè với quy hoạch chi tiết khu vực nêu trên nhằm đảm bảo an toàn cho công trình Kè sông Trường, Trạm khí tượng Trà My và các cụm dân cư tại khu vực.

W_vet-nut-2.jpg
Một góc bờ kè sông Trường.

UBND tỉnh cũng đã giao, Sở NNPTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NNPTNT tỉnh (BQLDA), UBND huyện Bắc Trà My nghiên cứu để xác định các nguy cơ có khả năng ảnh hưởng đến các cụm dân cư khác. BQLDA tiếp tục chủ động phương án đảm bảo an toàn về con người, trang thiết bị tại công trình Kè sông Trường.

Đề nghị Đài khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ quan tâm, chỉ đạo Trạm khí tượng Trà My thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, diễn biến sạt lở, chủ động kịp thời phương án đảm bảo an toàn cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trạm.

UBND huyện Bắc Trà My chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để tổ chức khảo sát, đánh giá tình trạng, mức độ, nguyên nhân sạt lở khu vực đỉnh đồi tại Trạm khí tượng Trà My.

W_vet-nut-3.jpg
Một góc bờ kè sông Trường.

Việc triển khai các biện pháp trên là vô cùng cần thiết, bởi tại Quảng Nam các huyện miền núi thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở đất, nhất là vào mùa mưa bão. Sạt lở đất cũng đã từng khiến cho nhiều người tử nạn và thiệt hại về tài sản nhà cửa. Như vụ sạt lở núi năm 2020 ở xã Trà Leng vùi lấp 15 ngôi nhà, có đến 55 người chết, bị thương và mất tích, lực lượng chức năng đã cứu sống 33 người, tìm thấy 10 người chết, đến nay vẫn còn 12 người mất tích.

Còn theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên thì huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don..., huyện Bắc Trà My có đến khoảng 30 điểm nguy cơ cao tập trung tại Thị trấn Trà My; xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác. Vì thế, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, phương án xử lý, dự toán nhằm đảm bảo an toàn công trình Kè sông Trường và khu vực lân cận là vô cùng cần thiết.

“Các Sở NNPTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc BQLDA trong quá trình triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan theo thẩm quyền, đúng quy định”, trích công văn công văn số 339/UBND - KTN.

Trước đó, ngày 29/12/2023, Báo Đại Đoàn Kết đã có bài “Yêu cầu sơ tán dân nơi xuất hiện vết nứt lớn ở Quảng Nam” phản ánh về việc xảy ra vết nứt lớn trong khu vực Trạm khí tượng Trà My và chính quyền đã yêu cầu thị trấn Trà My sơ tán khẩn cấp hộ dân sinh sống gần khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý vụ ‘xuất hiện vết nứt lớn ở Quảng Nam’