Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đại bộ phận người dân đang hết sức đồng tâm xung quanh Chính phủ để ngăn chặn, chống dịch. Ấy vậy mà vẫn có một số kẻ thay vì thực hiện nghiêm các quy định, chung tay góp sức đẩy lui đại dịch lại lên mạng tung tin thất thiệt gây hoang mang cho xã hội.
Mới đây thôi, một thanh niên ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) đã lên mạng facebook tung tin rằng địa phương này đã “thất thủ” trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Status của anh ta lập tức thu hút nhiều người xem, chia sẻ, gây hoang mang dư luận. Làm sao người dân có thể an lòng khi nghe tin quê hương “thất thủ” đây?
Không chỉ có thanh niên ở Thái Bình, cũng trong khoảng thời gian này, một phụ nữ ở thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã lên mạng khẳng định địa phương đã “toang” không còn kiểm soát được đại dịch Covid-19. Trước sự hoang mang lo sợ của cộng đồng xã hội, cơ quan công an đã phải vào cuộc xác minh, làm việc với người tung tin thất thiệt.
Còn rất nhiều kẻ “ngứa mồm” lên mạng xã hội (facebook, youtube...) tung tin thất thiệt về tình hình phòng chống đại dịch Covid-19, khiến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại một số địa phương trở nên bất ổn. Song, tôi chỉ muốn đưa ra hai ví dụ trên để thấy cái sự “độc địa” của một số kẻ vô công rồi nghề.
Tạm khoan bàn đến phạm trù khoa học biện chứng, về nguyên nhân, hệ quả từ việc các đối tượng tung tin thất thiệt. Chỉ riêng về mặt tâm linh cũng đã thấy vô cùng khó chịu trước sự “tuyên bố” vô ý thức của họ. Là con dân của đất Việt, ai chẳng muốn nhanh chóng hết đại dịch Covid-19 để mọi người vui vẻ bên nhau, phát triển kinh tế. Vì sao lại có người “độc mồm” đến vậy, họ có phải là người Việt Nam hay không?
Còn xét về góc độ pháp lý thì hành vi tung tin thất thiệt là đã vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung. Một status thất thiệt về đại dịch Covid-19 được tung lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới tâm lý của người dân, không chỉ gây hoang mang, mà còn phát sinh những hệ lụy tiêu cực không đáng có.
Chẳng hạn như việc nhiều người lo sợ khi “thất thủ”, khi “toang” thì hàng hóa sẽ vô cùng khan hiếm, nhất là lương thực, thực phẩm và các loại trang thiết bị y tế phòng dịch. Vì thế họ sẽ có tâm lý đi thu gom hàng hóa, dẫn đến việc khan hiếm cục bộ tại địa phương do các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp không lường trước được tình huống.
Hệ lụy kéo theo sẽ là gì? Khi người dân đổ xô đi mua khiến hàng hóa khan hiếm sẽ là cơ hội để các gian thương được dịp găm hàng, nâng giá bóp cổ người tiêu dùng. Đó là còn chưa kể trong bối cảnh hoang mang về dịch bệnh của người dân, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng tình hình để thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cắp, lừa đảo tài sản...
Vì thế, ngoài việc cả xã hội cần lên án những kẻ có tâm địa đen tối, cơ quan chức năng cần kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm minh những kẻ “độc miệng”, để không phát sinh hệ lụy xấu. Nếu cần thiết, không chỉ xử lý hành chính mà có thể căn cứ quy định của pháp luật để xử lý hình sự. Có vậy mới hy vọng răn đe, cảnh tỉnh, khiến nhiều người biết sợ mà không dám phát ngôn lăng nhăng, độc địa nữa.