Thời gian gần đây, một số trường hợp vừa lái ô tô vừa nghe điện thoại đã bị xử phạt. Nhưng rất đáng nói là nhiều lái xe đã tỏ ra “bất ngờ” khi bị xử phạt. Có nghĩa là trước đó, dù đã nhiều lần sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe nhưng họ... chưa từng bị xử phạt.
Chỉ trong một ngày giữa tháng 12, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đắk Nông đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 tài xế về hành vi vừa dùng một tay để lái xe vừa dùng một tay để sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe khách.
Cùng thời gian, Công an huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đã mời một người phụ nữ lái ô tô chở 5 người, khi nữ tài xế này một tay cầm lái, tay kia cầm micro hát karaoke bằng cách nhìn vào điện thoại của người ngồi bên ghế phụ để xem lời bài hát.
Một vụ khác xảy ra trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45, hồi đầu tháng 12, một lái xe kháchh giường nằm dùng khuỷu tay để lái trong khi 2 bàn tay “nhoay nhoáy” truy cập mạng xã hội trên điện thoại di động, khiến hành khách hết hồn. Qua theo dõi dữ liệu camera, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ giấy phép lái xe đối với tài xế này.
Hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động là hết sức nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là khi trên xe chở nhiều người. Thật đáng lo ngại là với không ít tài xế ô tô, sử dụng điện thoại khi lái xe như là “chuyện bình thường” mà không biết rằng đó là hành vi rất nguy hiểm, bị cấm. Điều này cũng cho thấy bất cập trong việc phát hiện, xử phạt hành vi nguy hiểm đó chưa được tiến hành thường xuyên và mức phạt quá nhẹ nên không tạo được ý thức cho người lái xe, từ đó dẫn tới tình trạng “nhờn luật”, hoặc là không biết mình đang phạm luật.
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng nặng hình thức xử phạt với hành vi này với tài xế ô tô, tương đương với mức phạt uống rượu bia vẫn lái xe. Lực lượng CSGT cần phối hợp với Đăng kiểm kiểm tra hộp đen, camera hành trình trong xe để kịp thời phát hiện việc tài xế sử dụng điện thoại trong lúc lái xe.
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, Thông tư số 73/2024 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của CSGT. Bên cạnh việc kiểm soát thông qua hệ thống camera trên tuyến giao thông, trong đô thị, CSGT có thể khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. CSGT được sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (bao gồm cả hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới), thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kiểm soát. Kết quả, dữ liệu thu thập được từ thiết bị, cơ sở dữ liệu được sử dụng để phát hiện, xử lý vi phạm. Ngoài ra, CSGT có thể kiểm soát thông qua tiếp nhận dữ liệu thu thập được từ công trình kiểm soát tải trọng xe.
Đơn vị CSGT theo tuyến, địa bàn được phân công tuần tra, kiểm soát, có trách nhiệm phối hợp tiếp nhận dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe được lắp đặt trên tuyến, địa bàn theo quy định của Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tải trọng xe, các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Như vậy, cùng với các hành vi vi phạm khác, thì việc tài xế sử dụng điện thoại trong lúc lái xe sẽ được kiểm soát chặt chẽ bằng việc ứng dụng công nghệ. Với những bằng chứng rõ ràng được ghi nhận thì sẽ không còn là cảnh báo, nhắc nhở mà tài xế vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Việc sử dụng điện thoại trong khi lái xe được xác định là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Hành vi đó là vi phạm pháp pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân, hành khách, cũng như những người tham gia giao thông. Đặc biệt khi điều khiển ô tô khách, trên xe có nhiều người, chỉ cần không tập trung một chút cũng có thể gây ra tai nạn thảm khốc.