Theo Bộ LĐTB&XH dù đã có nhiều quy chuẩn, quy định về đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng, tuy nhiên do mức xử phạt quá nhẹ nên việc đảm bảo an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng vẫn chưa được các doanh nghiệp coi trọng.
Chế tài nhẹ
Để đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia về an toàn trong xây dựng số 18/2014 và kèm theo Thông tư số 14 năm 2014. Theo đó quy chuẩn quy định, công trình đang thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che…) ở những vùng nguy hiểm nhằm tránh vật liệu rơi từ trên cao xuống.
Ngoài ra, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phải có biển báo, rào chắn vùng nguy hiểm… ngoài phạm vi công trường xây dựng trong thời gian cẩu tháp vận hành. Đối với những công trình xây dựng ngay sát đường giao thông thì phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể.
Đơn cử như, trong trường hợp có đường giao thông chạy qua công trường thì phải mở đường khác hoặc có biển báo ở 2 đầu đoạn đường chạy qua công trường để các phương tiện giao thông qua lại, giảm tốc độ. Đối với các đường hào, hố phải có rào chắn cao trên 1m hoặc có đèn báo hiệu để người tham gia giao thông nhận biết nguy hiểm và có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao.
Cùng với quy chuẩn về xây dựng Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc trang bị thiết bị bảo hộ cũng như đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động.
Mặc dù vậy theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH rất nhiều quy định không được doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh. Hơn nữa với mức phạt phải bồi thường 30 tháng tiền lương khi có tai nạn lao động quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Cần tăng trách nhiệm cơ sở
Theo LS Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội giải pháp để hạn chế tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chính là tăng chế tài và tăng trách nhiệm cơ sở. Trong đó nâng mức bồi thường cho người lao động khi xảy ra tai nạn lao động.
Cùng đó, theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, ngoài tăng mức bồi thường các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, không để doanh nghiệp bưng bít thông tin, đẩy người lao động vào thế bị động, nguy hiểm. Khi xảy ra tai nạn phải tiến hành khởi tố, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Để làm được điều nay cần tăng trách nhiệm của cơ sở nơi có những công trình xây dựng.
Tại Hà Nội là địa phương có tới hơn 40% số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, đa số vụ tai nạn lao động tập trung tại các công trình nhỏ, lẻ, nhà dân do ngã từ trên cao, sập giàn giáo…
Theo ông Dân dù thành phố, Sở LĐTB&XH đã có nhiều giải pháp, tăng cường truyền thông nhưng vì nhiều lý do, một số đơn vị vẫn coi nhẹ vấn đề bảo đảm an toàn lao động. Đối với người lao động, một số người còn chủ quan, lơ là trước những nguy cơ thiếu an toàn tại các công trình, nhất là ở những công trình nhỏ lẻ, nhà dân. Việc theo dõi, kiểm tra bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà dân thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp cơ sở, song công tác này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức…