Pháp luật

Xử phúc thẩm vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân: Cựu ĐBQH xin hoãn tòa do vắng mặt luật sư

Văn Thanh 15/05/2025 13:45

Bị cáo Lê Thanh Vân đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa do vắng mặt các luật sư bào chữa của mình.

Ngày 15/5, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xét kháng cáo của các ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lê Thanh Vân, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội; cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Vương.

Ghi nhận lúc 7h30 cùng ngày, 2 xe chuyên dụng đã đưa các bị cáo đến trụ sở TAND tỉnh Thái Bình.

Xử phúc thẩm vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân ddk
Xe chuyên dụng đưa các bị cáo đến tòa. Ảnh: VT

Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng 13 năm tù cho 2 tội danh "Cưỡng đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Ông Lê Thanh Vân bị tuyên 7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Nguyễn Văn Vương bị tuyên 14 năm tù cùng với tội danh như ông Lê Thanh Vân.

Án sơ thẩm xác định, các bị cáo vi phạm pháp luật tại 5 vụ việc khác nhau xảy ra ở Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP.Hà Nội.

Vụ việc thứ nhất, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã giúp đỡ Cường "quắt" cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khai thác cát.

Cụ thể, các bị cáo đã lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội, nhiều lần can thiệp để giúp doanh nghiệp có dự án, xin lại dự án, can thiệp theo hướng có lợi cho người quen trong vụ kiện dân sự, bảo kê giang hồ, với mục đích hưởng lợi cá nhân.

Trong đó, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã 4 lần thực hiện hành vi phạm tội và nhiều lần nhận tiền, quà cảm ơn; gồm nhận 210 triệu đồng và 300.000 USD, một lô đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội); được hứa tặng một lô đất hơn 1.000m2 ở Quảng Ninh.

Bị cáo Lê Thanh Vân đã 2 lần thực hiện hành vi phạm tội; nhận 60 triệu đồng, một lô đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội) và được hứa tặng một lô đất ở Quảng Ninh.

Số tiền các bị cáo Nhưỡng, Vân, Vương đã nhận đều trên 1 tỷ đồng.

Tại tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thái Bình đánh giá, hai bị cáo Nhưỡng và Vân là Đại biểu Quốc hội, đáng lẽ phải gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, có lối sống lành mạnh nhưng đã không đại điện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan, nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến nhân dân.

Tuy nhiên, tại tòa, hai bị cáo lại luôn khẳng định không có động cơ này, không vòi vĩnh đòi hỏi, "đưa thì nhận". Các bị cáo tuy am hiểu pháp luật nhưng cố tình phạm luật. Trong vụ án "bảo kê", Cường và Phương ép doanh nghiệp "cắt phế" khai thác cát, bị cáo Nhưỡng đã dùng nhiều cách, tạo cho Cường có "sức mạnh tinh thần" để người này ép, vòi tiền của doanh nghiệp. Số tiền các bị cáo hưởng lợi trong các vụ án đều trên một tỷ đồng.

Trong bản luận tội, VKSND tỉnh Thái Bình xác định các bị cáo Nhưỡng, Vân có các tình tiết giảm nhẹ, trong đó là những người có cống hiến trong các khóa làm đại biểu Quốc hội; đã tự nguyện khắc phục hậu quả.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Hai bị cáo Lê Thanh Vân và Nguyễn Văn Vương kháng cáo kêu oan. Bị cáo Vân khẳng định không làm sai chức trách, nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội; hồ sơ vụ án cũng không có đủ căn cứ để buộc tội bị cáo này.

Tại phiên phúc thẩm, cả 3 bị cáo đều có mặt đầy đủ. Trong phần thủ tục, theo thông báo từ thư ký phiên tòa, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân vắng mặt không có lý do.

Hầu hết những người tham gia tố tụng khác đều vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.

Tòa đã chỉ định luật sư bào chữa cho các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương. Tuy nhiên, hai bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Văn Vương xin từ chối luật sư được chỉ định.

Còn bị cáo Lê Thanh Vân đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) hoãn phiên tòa khi vắng mặt các luật sư bào chữa của mình.

Trước diễn biến này, HĐXX đánh giá, để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Vân, tòa án đã chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo.

Về phía VKSND Cấp cao tại Hà Nội, vị đại diện nêu quan điểm, cả 4 luật sư của bị cáo Vân vắng mặt, tuy nhiên tòa án đã chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo này, quyền lợi của bị cáo Vân vẫn được đảm bảo. HĐXX sau đó quyết định tiếp tục phiên tòa phúc thẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử phúc thẩm vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân: Cựu ĐBQH xin hoãn tòa do vắng mặt luật sư