Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nhưng bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương.
Ngày 15/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xét kháng cáo của các ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lê Thanh Vân, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội; cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Vương.
Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng 13 năm tù cho 2 tội danh "Cưỡng đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Ông Lê Thanh Vân bị tuyên 7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Nguyễn Văn Vương bị tuyên 14 năm tù cùng với tội danh như ông Lê Thanh Vân.
Tại phiên phúc thẩm, cả 3 bị cáo đều có mặt đầy đủ. Trong phần thủ tục, theo thông báo từ thư ký phiên tòa, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân vắng mặt không có lý do. Hầu hết những người tham gia tố tụng khác đều vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
Tòa đã chỉ định luật sư bào chữa cho các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương. Tuy nhiên, hai bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Văn Vương xin từ chối luật sư được chỉ định.
Còn bị cáo Lê Thanh Vân đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa khi vắng mặt các luật sư bào chữa của mình. Tuy nhiên, đến khoảng gần 10h cùng ngày, các luật sư đã có mặt để tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, tại phiên tòa, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã khai nhận hành vi phạm tội, lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu, cũng như diễn biến xét xử, các dữ liệu điện tử…
Hành vi của bị cáo Nhưỡng vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trong hành vi cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Nhưỡng có vai trò đồng phạm giúp sức. Trong hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", bị cáo Nhưỡng giữ vai trò là người thực hành tích cực, do bị cáo Vương lôi kéo, rủ rê.
Viện Kiểm sát đánh giá, mức án 13 năm tù đối với bị cáo Nhưỡng cho 2 tội: "Cưỡng đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" mà cấp sơ thẩm đưa ra là hợp lý.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã xuất trình thêm một số tài liệu chứng cứ, Viện Kiểm sát thấy có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ, vì vậy đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nhưỡng, đề nghị giảm nhẹ từ 3 đến 6 tháng tội "Cưỡng đoạt tài sản", 9 tháng đến 1 năm tù cho tội danh còn lại.
Với bị cáo Lê Thanh Vân, vị đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, mặc dù bị cáo không thừa nhận tội danh bị quy kết, nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, lời khai…, có cơ sở thấy, có việc bị cáo Vân được bị cáo Nhưỡng trao đổi, gặp bị cáo Vương.
Tòa cấp sơ thẩm xác định tội danh là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không có thêm tình tiết mới, việc kêu oan không có cơ sở để chấp nhận.
Tương tự với bị cáo Vương, tòa sơ thẩm kết án là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan; tại phiên phúc thẩm không có thêm chứng cứ, tình tiết nào mới. Vì vậy, phía Viện Kiểm sát cho rằng, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo, cần giữ nguyên tội danh như cấp sơ thẩm.