Những ngày cận Tết, trong tiết trời ấm áp, chúng tôi trở lại vùng sạt lở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam); vui cùng niềm vui của bà con đang dần ổn định cuộc sống và đón mùa xuân mới.
Hơn 3 tháng trước, tại nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng đã xảy ra vụ sạt lở núi kinh hoàng đã vùi lấp 15 ngôi nhà, khiến 9 người tử vong và 13 người mất tích... Thiệt hại hết sức nặng nề, nỗi đau thương này quá lớn, đối với họ khó có thể quên đi ngày một ngày hai. Dù vẫn còn ám ảnh vụ sạt lở núi, nhưng bà con quyết tâm xây dựng lại cuộc sống mới.
Đón Tết trong căn nhà mới
Ngay sau vụ thảm họa đau thương này, các cấp chính quyền đã nhanh chóng hỗ trợ người dân và cùng với sự chia sẻ chung tay góp sức của đồng bào cả nước, cuộc sống của người dân vùng sạt lở đang dần ổn định. Hiện nay, con đường dẫn vào Trung tâm xã Trà Leng đã được sửa chữa thông tuyến, các phương tiện như xe ô tô, xe máy… đã lưu thông dễ dàng. Không khí xuân càng rộn ràng khi dọc hai bên đường người dân cắm cờ Tổ quốc, trưng các cặp chậu hoa cúc, chậu quất trong nhà để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Khó có thể nói hết nỗi vui mừng của những người bị mất nhà, mất của giờ đây lại có ngôi nhà mới khang trang để ở. Ông Hồ Văn Đề (85 tuổi, trú nóc Ông Đề) không giấu nổi niềm vui khi có được ngôi nhà mới khang trang sau sự cố đau thương vừa rồi, ông tâm sự: “Tết nay, tôi được ở trong một ngôi nhà mới kiến cố và thiết kế xây dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào M’Nông và có đầy đủ tiện nghi như giường ngủ, bình chứa nước sinh hoạt, bàn ghế cùng các công trình phụ. Tôi rất xúc động về sự chăm lo của Đảng và Nhà nước cùng sự chia sẻ của các Mạnh thường quân trên cả nước đã hướng về với người dân xã Trà Leng”.
Được biết, hôm nay ngày 6/2, 13 hộ dân ở vùng bị sạt lở núi vùi lấp hư hỏng nhà cửa sẽ chính thức được bàn giao vào ở trong những ngôi nhà mới. Ông Đề cho biết, ngay từ chiều 3/2, ông đã nhờ lực lượng dân quân đưa đồ đạc, dụng cụ của gia đình vào nhà mới. Bên cạnh đó mỗi gia đình được chính quyền địa phương tặng một cặp chậu hoa cúc và cặp quất cảnh để đón Tết.
Nhắc lại vụ sạt lở núi, ông Đề nghẹn ngào nói: “Tôi rất đau đớn khi có tới 8 người thân bị gặp nạn trong vụ sạt lở núi vào ngày 28/10/2020. Hằng ngày tôi thường nhờ mọi người trong thôn chở xe máy chạy xuống ngôi làng cũ để thắp nén hương tưởng nhớ đến những người thân, bà con hàng xóm xấu số mất tích trong vụ sạt lở này. Điều tôi mong ước lớn nhất là có thể tìm được thi thể của họ để chôn cất và thờ cúng”.
Hiện công nhân đang nỗ lực, gấp rút hoàn thiện các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, nhà bếp và lợp tôn trên mái nhà để bàn giao 13 ngôi nhà mới cho các hộ dân ở nóc Ông Đề. Không khí rất khẩn trương.
Vừa chăm sóc chậu hoa cúc Tết, anh Nguyễn Thành Sơn, vừa trò chuyện: “Tôi thật sự xúc động khi sắp nhận được ngôi nhà mới để cùng 4 đứa con vào ở trong dịp Tết này. Hiện tại ngôi nhà của tôi còn thiếu hệ thống dẫn nước sạch và điện thắp sáng nên phải chờ vài ngày tới để cho công nhân hoàn thiện xong. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, của Mặt trận và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng thì chẳng biết khi nào người dân bị mất nhà cửa mới có cuộc sống ổn định. Có ngôi nhà mới để ở gia đình tôi yên tâm, phấn khởi vui Tết, đón Xuân”.
Anh Sơn kể: “Vợ tôi bị mất tích trong vụ sạt lở núi đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Nhiều đêm, tôi rất đau buồn, thương nhớ vợ, không biết vợ tôi nằm ở đâu trong lòng đất lạnh lẽo ấy, tôi cũng có đặt niềm tin, hy vọng có thể tìm thấy được thi thể của vợ để đem đi chôn cất, thờ cúng”.
Niềm vui khi em trở lại trường
Thật là ấm lòng khi thấy học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTPT) Tiểu học Trà Leng đã trở lại học sau sự cố đau thương. Bởi vì khi xảy vụ sạt lở núi hầu hết các tuyến đường liên thôn, xã trên địa bàn bị chia cắt, cô lập đi lại hết sức khó khăn. Để vận động các em học sinh đến trường thầy cô phải lội suối, băng rừng đi đến từng thôn, nóc để thuyết phục phụ huynh đưa cho các em đến lớp trở lại.
Cô giáo Trần Thị Thảo (30 tuổi) dạy lớp 1/1, chia sẻ: “Tôi công tác ở đây được 7 năm nên cũng có biết ngôn ngữ của đồng bào M’Nông nên giao tiếp rất dễ với bà con, để họ hiểu cái chữ rất quan trọng với học trò. Đến thời điểm này các em học sinh đã quay trở lại lớp học đầy đủ, không có em nào nghỉ học sau đợt mưa bão, sạt lở núi vừa qua. Đối với chúng tôi đó là niềm hạnh phúc lớn”.
Tuy nhiên theo cô giáo Thảo, sau đợt sạt lở núi và mưa bão vừa qua, các em nghỉ học nhiều. Do đó, để theo đuổi kịp chương trình học trong sách giáo khoa thì Phòng GDĐT huyện cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã tăng số tiết học cũng như dạy phụ đạo cho các em để theo kịp chương trình.
Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Trà Leng cho biết, nhà trường có hơn 300 em học sinh, Ban Giám hiệu đã chăm lo các em chỗ ăn ở, khu vui chơi. Hiện tại công tác khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra ở nhà trường đã xong và việc học tập đã đi vào nề nếp. “Chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho các em có cái Tết vui tươi đúng nghĩa”.
Lo Tết cho bà con
Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: “Chúng tôi đã nêu quyết tâm phải bàn giao nhà cho bà con ở đón Tết, nên những ngày qua anh em luôn có mặt tại công trường để đôn đốc thi công xây dựng nhà. Bà con đã quá đau khổ trong vụ sạt lở núi giờ phải làm sao cho họ an cư lạc nghiệp và đón Tết đầm ấm. Đó cũng là chỉ đạo của cấp trên”.
Về công tác chăm lo Tết cho người dân, ông Cường cho hay, hiện tại chính quyền xã đang gấp rút cùng các đơn vị tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ để bàn gia nhà trước Tết cho bà con. Dự kiến, ngày 6/2 sẽ bàn giao 13 ngôi nhà mới 13 hộ dân ở nóc Ông Đề, trung bình mỗi ngôi nhà có diện tích rộng hơn 70m2 bao gồm luôn nhà bếp, công trình phụ. Các ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào địa phương. Ngoài ra, hỗ trợ cho bà con về lương thực, nhu yếu phẩm, giúp bà con ổn định cuộc sống và đón cái Tết sum vầy.
Về khôi phục sản xuất, ông Cường cho biết, hiện đang khuyến khích đẩy mạnh phát triển trồng trọt, đặc biệt là trồng cây quế, cây ăn quả.
“Đáng mừng tinh thần đoàn kết tại địa phương luôn giữ vững, tình làng nghĩa xóm luôn luôn được khơi dậy, từ đó giúp cho sự khắc phục hậu quả thiên tai diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng. Hiện nay, bà con đã dần ổn định về tư tưởng và bắt đầu khôi phục sản xuất trở lại” - ông Cường nói.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, ngày 5/2 huyện bàn giao nhà cho bà con ở vùng sạt lở Trà Vân. Ngày 6/2, bàn giao nhà cho các hộ dân ở vùng sạt lở Trà Leng. Chính quyền cũng đã chuyển lương thực, nhu yếu phẩm về tới các xã trên địa bàn huyện để chăm lo Tết cho bà con để đón Tết đầm ấm, vui tươi.
“Công tác tìm kiếm 13 người mất tích trong vụ sạt lở nóc Ông Đề vẫn được chính quyền huyện cùng lực lượng dân quân xã Trà Leng tiếp tục, nhưng do các nạn nhân mất tích đã lâu gặp nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình” - ông Mẫn cho hay.
Qua mưa gió, sạt lở núi, trời Trà Leng lại xanh trong, nắng vàng lan trải trên từng nẻo đường; những ngôi nhà mới sắp hoàn thành cùng với đó núi rừng xanh mơn mởn, hoa cúc, hoa sim đua nhau nở, trường học lại rộn ràng với những em học sinh, những con người lấy lại tinh thần quyết tâm xây dựng cuộc sống. Thật sự vùng đất này đang hồi sinh và đang đón mùa Xuân về.