Xuất bản tìm cách gỡ rối

Hoàng Minh 24/08/2016 09:05

Hoạt động in lậu ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, nhà sản xuất và bạn đọc… Ngày 26-8 tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) sẽ tổ chức “Hội nghị tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động in năm 2016” với kỳ vọng sẽ tìm giải pháp đẩy lùi vấn nạn này.

Xuất bản tìm cách gỡ rối

Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến bị lực lượng chức năng
phát hiện hơn 50.000 cuốn sách dán tem giả NXB Giáo dục VN.

Vi phạm tràn lan

Theo thống kê, đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương; đội liên ngành và Thanh tra Sở TT&TT các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều vi phạm. Cụ thể đoàn liên ngành đã triển khai 17 lượt kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3 vụ với tổng số tiền là 136 triệu đồng; thu giữ và buộc thu hồi, tiêu hủy trên 9.000 xuất bản phẩm các loại. Đáng chú ý là vụ Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương đã phát hiện Công ty Cổ phần Đầu tư và tư vấn giáo dục Văn Hiến (địa bàn Hà Nội) tàng trữ 52.826 bản sách in lậu để đưa ra thị trường tiêu thụ. Kết quả, đoàn liên ngành thu giữ toàn bộ số sách vi phạm, lập hồ sơ chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố vụ án. Đến tháng 3-2016, hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để truy tố trước pháp luật. Đây có thể nói là một vụ vi phạm điển hình đã được các cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý. Ngoài ra, trong năm 2015, Đội liên ngành và Thanh tra Sở TT&TT địa phương đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền 541,5 triệu đồng, thu giữ 9.806 xuất bản phẩm…

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành Chu Văn Hòa khẳng định, công tác phối hợp hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả. Đơn cử, mặc dù đã quá thời hạn quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP và Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, nhưng cho đến nay một số quy định của pháp luật về hoạt động in vẫn chưa được triển khai đồng bộ (theo báo cáo của 51/63 Sở TT&TT thì mới chỉ có 27 Sở cấp được 301 giấy phép hoạt động in; 13 Sở xác nhận đăng ký hoạt động in cho 91 cơ sở in và 17 Sở chứng nhận sử dụng được 416 máy in...). Một số Sở TT&TT chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động in, dẫn đến việc còn có các đơn vị cơ sở hoạt động sai quy định trên địa bàn. Công tác phối hợp về thanh tra, kiểm tra giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở, đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương với đội liên ngành địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau và các ngành liên quan có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, thiếu kịp thời; việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác này còn ít diễn ra. Chưa phối hợp tốt để xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động in.

Năm 2015, số vụ phát hiện nhiều nhưng xử lý chưa kịp thời hoặc xử lý chưa ngang mức quy định. Đơn cử chỉ trong năm 2015, Bộ TT&TT thông qua Cục Xuất bản, In và Phát hành đã nhận được 51/63 Sở báo cáo;nhưng đối với báo cáo 6 tháng đầu năm 2016 mới nhận được 10 báo cáo của các Sở. Qua đó, có thể thấychưa phối hợp xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu liên thông, đăng tải công khai hoạt động quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử, từ đó việc thống kê, khai thác thông tin dữ liệu rất khó khăn.

“Tìm thuốc” chữa vi phạm

Có thể thấy, câu chuyện về in lậu sách giờ đây dường như đã “nhờn thuốc” bởi các quy định đã ban hành. Thực tế, vấn nạn này đang mặc cho tác giả, NXB, bạn đọc, doanh nghiệp làm ăn chân chính ra sức kêu cứu, nhưng sách bị in lậu, làm giả vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Nghiêm trọng hơn, hoạt động in lậu còn tiếp tay cho việc phát tán những xuất bản phẩm có nội dung xấu, độc hại, thậm chí chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và gây xói mòn lòng tin của nhân dân. Đặc biệt là những xuất bản phẩm thông tin thiếu hoặc không đúng về chủ quyền quốc gia, nội dung sai lệch về lịch sử làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới của nước ta.

Đơn cử, hiện nay sách giáo dục là loại sách bị làm giả nhiều nhất. Ngay NXB Giáo dục VN cũng đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT cảnh báo về việc sách in lậu, sách giả mang tên của đơn vị này được bán tại các nhà sách trên thị trường. Nhiều đầu sách được xác định in lậu với quy mô lớn. Theo thống kê, các tên sách của NXB Giáo dục VN bị in lậu nhiều nhất, gồm: Sách Tiếng Anh 3, 4, 5 kèm đĩa, sách bài tập các môn học lớp 6, 7 ,8, 9; Vở bài tập tất cả các môn học lớp 6, 7, 8, 9; Bài tập cuối tuần Toán 1, 2, 3, 4, 5; Tập bản đồ bài tập và bài tập thực hành địa lý từ lớp 6 đến lớp 12;… Những cuốn sách in lậu, làm giả này được in bằng máy công nghệ cao, nhìn giống sách thật, có dán tem chống giả, có đầy đủ thông tin xuất bản, khó phát hiện bằng mắt thường, nhưng nội dung sách in lậu, sách giả có nhiều sai sót về kiến thức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả học tập của học sinh. Không những thế, sự việc này còn là tác nhân triệt tiêu sự sáng tạo của tác giả và kìm hãm sự phát triển của hoạt động xuất bản.

Thực hiện lộ trình triển khai Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với một số đơn vị liên quan triển khai xây dựng, đăng tải kết quả các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Cục, trong đó có 2 thủ tục hành chính “Cấp giấy phép hoạt động in” và “Cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in”. Đồng thời, Cổng thông tin điện tử này cũng đã tổ chức chuyên mục “Sở TT&TT các tỉnh, thành phố báo cáo”, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông tin và thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến của các Sở TT&TT. Ông Chu Văn Hòa cho biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động xây dựng và triển khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục một số chuyên mục thiết thực phục vụ công tác quản lý nhà nước về xuất bản, in và phát hành, công khai đăng tải giải quyết thủ tục hành chính và các hoạt động quản lý liên quan. Đến cuối năm 2016, đưa hệ thống báo cáo trực tuyến vào hoạt động…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất bản tìm cách gỡ rối