Bệnh viện Bệnh Bạch Mai vừa điều trị cho một thanh niên 30 tuổi (ở Hưng Yên) chẩn đoán viêm màng mủ do vi khuẩn não mô cầu. Theo các bác sĩ, hiện đã xuất hiện một số ổ dịch nhiễm vi khuẩn viêm não mô cầu. Vi khuẩn não mô cầu thường gây viêm màng não, viêm não, dễ tiến triển sang thể nặng và dẫn đến tử vong
Tiêm vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh.
Cách ly nhiều người
Trong vài ngày qua, Hà Nội đã xuất hiện 1 trường hợp mắc viêm não mô cầu và 1 trường hợp nghi ngờ. Theo BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngày 13/4, cô gái 15 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ. Gia đình đã đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung- Đông Anh).
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê, phải đặt nội khí quản thở máy, xuất hiện chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng của bệnh viêm màng não do não mô cầu.
Trường hợp thứ 2 là bé gái 14 tháng tuổi vào viện với biểu hiện sốt cao liên tục, có các cơn co giật, tím tái, lơ mơ, bị nghi ngờ viêm não mô cầu.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng đã tiến hành các bước xử lý một ổ dịch với trường hợp này như xử lý môi trường, phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B tại gia đình bệnh nhân. 26 người lớn và hai trẻ nhỏ tiếp xúc gần với bệnh nhi cũng được lập danh sách, theo dõi, cách ly tại cộng đồng, uống kháng sinh dự phòng.
Còn về bệnh nhân 30 tuổi ở Hưng Yên vừa nhập viện Bạch Mai, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, xuất hiện chấm xuất huyết ở chân và thân mình. Đặc biệt bệnh nhân đã có dấu hiệu của rối loạn ý thức, kích thích vật vã.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân trên, các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng. Người nhà bệnh nhân cho hay, trước khi vào viện 4 hôm, bệnh nhân có các biểu hiện như ho khan, 2 ngày sau xuất hiện sốt cao 39 độ C, đau đầu và buồn nôn. Đêm 17-4, bệnh nhân xuất hiện sốt cao và nôn nhiều và được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên. Trưa 18-4, bệnh nhân xuất hiện rối loạn ý thức và đã được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai).
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển, bệnh nhân đã tỉnh táo, còn sốt, tình trạng toàn thân cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần điều trị và theo dõi một thời gian.
Không thể coi thường
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội: Viêm màng não do não mô cầu là bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây nên (hay còn gọi là màng não cầu). Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể lây lan thành dịch, với các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, chóng mặt, li bì… bệnh nặng có thể dẫn đến hôn mê, sốc và tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 20% nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh cũng có thể để lại di chứng như: Điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ, thần kinh…Đây là bệnh dễ lây lan thành dịch và cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường dễ lây ở nơi tập trung đông người, người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa Đông-Xuân. Nhóm nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ em.
Còn theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh não mô cầu rất nguy hiểm, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng thành dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tỷ lệ tử vong cao. Vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu là Neisseria meningitidis thường cư trú ở vùng mũi, hầu, họng. Nguồn lây bệnh chủ yếu từ bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, với các bệnh nhân mắc bệnh này, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắcxin. Hiện nay có 2 loại vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu, mỗi loại chỉ ngừa được một số chủng vi khuẩn não mô cầu nhất định nên cha mẹ có thể tiêm cho trẻ cả 2 loại để phòng bệnh viêm não mô cầu hiệu quả nhất.
Hai loại vắc xin này là:
-Vắc-xin viêm não mô cầu nhóm A và C do Pháp sản xuất được tiêm cho trẻ từ đủ 2 tuổi trở lên. Sau mũi tiêm thứ nhất, có thể tiêm nhắc lại sau 3-5 năm. Nếu trẻ có tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm các chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm A và C thì có thể tiêm phòng nếu trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Vắc-xin viêm não mô cầu B+C do Cu-ba sản xuất, là vắc-xin được dùng để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B và C. Trẻ đủ 3 tháng tuổi trở lên và những ngườisống trong vùng đang có dịch hay phải đi đến vùng dịch có thể tiêm vắc xin này, có thể tiêm 1 mũi nhắc lại sau ít nhất 2 tháng.
Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Việt Nam có bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi. Vi khuẩn đã được phân lập trong các vụ dịch ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; huyện Tuần Giáo tỉnh Lai Châu; huyện Quản Bạ, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang; huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên và huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh. Bệnh thường tản phát lẫn trong hội chứng viêm màng não mủ và đã xảy ra dịch ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là ở miền núi (theo Cục Y tế Dự Phòng) Theo Bộ Y tế, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. |