Kinh tế

Xuất khẩu, điểm sáng kinh tế Việt Nam

Minh Long-Nguyễn Hải 19/06/2024 09:21

Dù có những tín hiệu tích cực xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

anhbaichinh.jpg
Xuất khẩu nhiều nhóm hàng tăng trưởng. Ảnh: Quang Vinh.

5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đạt 156,5 tỷ USD

Bộ Công thương đã công bố số liệu về tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2024 và những giải pháp tiếp tục khơi thông dòng chảy thương mại để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hơn 6% trong năm 2024. Theo đó, 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%). Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%; Nhật Bản ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4,7%.

Đặc biệt, cả khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực DN 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm DN trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (25,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%. Mặt hàng gạo, tuy chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng kim ngạch ghi nhận tăng 33,6% phản ánh mặt bằng giá có lợi trên thị trường. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản - vốn là nhóm thế mạnh của khối DN trong nước đã đóng góp vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực DN này.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, những tháng đầu năm 2024 là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Song, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kinh tế Việt Nam trong năm qua đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có ký hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các DN, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh tín hiệu xuất khẩu hàng hóa khả quan theo các chuyên gia kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh cũng đặt ra nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) gia tăng. Thực tế theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra PVTM từ 24 thị trường.

Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, cá basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong... Lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công thương cho hay, đến nay, Việt Nam đã tận dụng hiệu quả lợi thế từ các FTA để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa. Song tiềm ẩn nguy cơ bị kiện PVTM, khi kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam tăng hơn 15% trong nửa đầu năm 2024, cán cân thương mại xuất siêu hơn 8 tỷ USD.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, bất cứ mặt hàng nào bị điều tra PVTM và dẫn tới bị áp thuế đều sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với xuất khẩu hàng hoá của DN, các DN xuất khẩu bị giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong việc tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho DN.

Để xuất khẩu hàng hóa giữ vững được đà tăng trưởng sau 1 năm gặp nhiều khó khăn, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, phải chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông sản và cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đánh giá cụ thể về những cơ hội, khó khăn từ nay đến cuối năm, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc được IMF dự báo chỉ tăng trưởng 5% trong cả năm 2024. Ngoài ra, nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2024 vẫn chưa được loại trừ, khi lãi suất vẫn đang được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì ở mức cao. Đó là chưa kể Trung Quốc hiện nay đang ở trạng thái dư thừa công suất trong nhiều lĩnh vực. Những nhân tố này sẽ đặt ra rất nhiều thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn cuối năm. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản cho việc xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, từ đó chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ về lãi suất, thuế, phí, giãn nợ, trợ cấp thất nghiệp…để giúp các DN xuất khẩu duy trì việc làm cho người lao động.

Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu còn đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại mới với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng.

Đồng thời hỗ trợ DN khai thác tối đa cơ hội trong các FTA. Bộ tiếp tục chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các DN xuất khẩu lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.

“Để tận dụng tốt các FTA, tiếp tục đa dạng hoá hình thức tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các hiệp định, trong đó ứng dụng môi trường Internet và các mạng xã hội. Phối hợp với các đơn vị liên quan, các tỉnh thành phố tổ chức các hội thảo phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA” - đại diện Bộ Công thương cho biết.

8-b1.jpg

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của DN chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Theo đó, cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các DN, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Chỉ khi DN, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu, điểm sáng kinh tế Việt Nam