Tổng cục Hải quan dự báo, xuất khẩu gạo cả năm nay có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch gần 3,2 tỷ USD, tăng gần 6% về lượng nhưng tăng tới 20% về trị giá so với năm 2017. Đây được coi là một trong những điểm sáng khi giá gạo Việt Nam lần đầu tiên vượt qua gạo Thái Lan.
Gạo Việt dần thâm nhập được một số thị trường khó tính.
Xuất khẩu gạo có mức tăng trưởng khả quan trong 11 tháng đầu năm, góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm qua, gạo Việt Nam cũng thâm nhập được vào một số thị trường khó tính. Tất cả là nhờ những nỗ lực của nhà quản lý và các doanh nghiệp (DN) ngành lúa gạo trong việc tập trung vào nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu trong thời gian qua.
Thâm nhập thị trường khó tính
Số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 5,64 triệu tấn gạo, thu về 2,83 tỷ USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 15,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu đạt 502,7 USD/tấn, tăng 11,5%. Trong đó, tính riêng tháng 11/2018, xuất khẩu gạo tăng 9% về khối lượng và tăng 2,7% về kim ngạch so với tháng 10/2018, đạt 395.574 tấn, tương đương 192,41 triệu USD. So với tháng 11 của năm 2017, gạo xuất khẩu cũng đã tăng 5,6% về lượng và tăng 6,9% về kim ngạch.
Xét về thị trường xuất khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, nhiều thị trường có mức tăng đột phá. Đơn cử, xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia có mức tăng gấp gần 50 lần về lượng và tăng gấp 64,4 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017, đạt 772.098 tấn, tương đương 362,45 triệu USD, chiếm 13,7% trong tổng lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu cũng tăng mạnh 32,2%, đạt trung bình 469,4 USD/tấn.
Tại thị trường Philippines, trong tháng 11 vừa qua, xuất khẩu gạo cũng tăng rất mạnh, lên tới 146,9% về lượng và tăng 151,6% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt 83.585 tấn, tương đương 35,59 triệu USD; nâng tổng khối lượng 11 tháng đầu năm lên 772.012 tấn, tương đương 348,18 triệu USD, chiếm 13,7% trong tổng lượng và chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch, tăng 52,4% về lượng và tăng 72,8% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tăng 13,4%, đạt 451USD/tấn.
Đáng chú ý, gạo Việt đang tìm đến nhiều thị trường mới, nhất là các thị trường khó tính ở khu vực châu Âu. Theo đó, 11 tháng đầu năm 2018, các thị trường xuất khẩu có sự tăng mạnh về cả lượng và kim ngạch phải kể đến Ba Lan, tăng 431,7% về lượng và tăng 494% về kim ngạch, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 282% về lượng và tăng 308% về kim ngạch, Iraq tăng 134,3% về lượng và tăng 143,9% về kim ngạch, Pháp tăng 285,9% về lượng và tăng 205,8% về kim ngạch.
Chú trọng nâng chất, gạo xuất khẩu đã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính.
Tổng cục Hải quan dự báo, xuất khẩu gạo cả năm nay có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch gần 3,2 tỷ USD, tăng gần 6% về lượng nhưng tăng tới 20% về trị giá so với năm 2017. Đây được coi là một trong những điểm sáng khi giá gạo Việt Nam lần đầu tiên vượt qua gạo Thái Lan.
Chất lượng gạo xuất khẩu tăng
Như vậy, so với trước đây, ngành lúa gạo đã có khởi sắc rõ nét. Xuất khẩu gia tăng ở hầu hết các thị trường. Duy chỉ có thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo lại giảm. Điều này một lần nữa cho thấy, các DN ngành lúa gạo chú trọng hơn vào việc xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp cao. Trước đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ phần lớn các loại phẩm cấp thấp thì nay gạo xuất khẩu vào thị trường này đã giảm. Các DN chú trọng hơn đến các thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất.
Giới chuyên gia nhận định, kể từ sau năm 2012, thời điểm Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chính thức triển khai, diện mạo ngành lúa gạo đã thay đổi và ngày càng có những khởi sắc rõ nét. Nếu như trước đây, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong sản lượng xuất khẩu và chủ yếu được xuất sang các thị trường giá rẻ, thì nay, đến 80% lượng gạo xuất khẩu là gạo phẩm cấp cao. Là một trong những DN xuất khẩu gạo có sự bứt phá mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, nhờ chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu dòng gạo phẩm cấp cao, doanh thu của DN đã tăng lên gấp đôi.
Nhận định về ngành lúa gạo thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển. Hiện gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp là sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. “Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn sản xuất ra các sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo” – Phó Thủ tướng nhận định.