Kinh tế

Xuất khẩu gạo tiếp tục bứt phá

Lê Bảo 24/11/2023 07:11

Tại thời điểm này, dù giá gạo biến động nhẹ, tuy nhiên trong phiên giao dịch gần đây giá gạo xuất khẩu có thời điểm tăng đến 10 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 11. Điều đó cho thấy, xuất khẩu gạo tiếp tục có nhiều dư địa để bứt phá.

anhbaitren(1).jpg
Dự báo năm 2024 lượng tồn kho gạo sẽ rất mỏng. Ảnh Kim Thanh.

Gạo Việt Nam đang có giá cao nhất thế giới

Bước sang phiên giao dịch ngày 23/11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam quay đầu giảm sau phiên điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 22/11, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 658 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 643 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn. Trái ngược với đà giảm của gạo Việt Nam, giá gạo Thái Lan và Pakistan đồng loạt tăng. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 5 USD/tấn lên mức 590 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 5 USD/tấn lên mức 546 USD/tấn. Dù vậy, theo VFA, Việt Nam đang dẫn đầu về giá bán gạo 25% tấm, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 97 USD/tấn và cao hơn gạo Paskistan 140 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng nửa đầu tháng 11, cả nước xuất khẩu 332.214 tấn gạo, kim ngạch đạt 219 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,15 tỷ USD. Những con số này đã vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).

Hai thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là khu vực ASEAN (chủ yếu là Philippines, Indonesia, Singapore) và Trung Quốc. Việc Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đưa ra các lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu đã hỗ trợ cho hai quốc gia xếp sau là Thái Lan và Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu về cả lượng, kim ngạch và giá bán.

Theo ông Phạm Thái Bình - Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, năm 2023 là năm bứt phá ngoạn mục của gạo Việt. Giá gạo tăng đột biến từ tháng 8 vừa qua. Nhiều quốc gia đua nhau gom mua lượng gạo lớn để tăng dự trữ lương thực đã khiến nguồn cung mặt hàng này chao đảo, giá gạo nhiều thời điểm tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, giá lúa gạo nội địa cũng như giá xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, liên tục vượt qua các kỷ lục trước đó.

Đầu tháng 11/2023, Bộ Công thương đưa ra con số ước tính năm 2023 Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi của Việt Nam về xuất khẩu gạo. Với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu gạo trong năm 2023 nhiều khả năng đạt và vượt con số 7,5-8 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD đã được dự báo trước đó.

Tiếp tục tận dụng cơ hội

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn. Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo đến năm 2024. Điều này dẫn đến việc gia tăng lượng dự trữ gạo, đẩy giá gạo xuất khẩu tăng.

Nhận định về nhu cầu thị trường cuối năm cũng như bước sang năm 2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, năm 2024, nếu Ấn Độ nới lỏng hoặc chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo có thể đi xuống và trở lại mức như trước đây. Tuy nhiên tại thời điểm này, giá gạo sẽ còn duy trì ở mức cao.

Để nắm bắt được cơ hội này, theo ông Hải, cần duy trì sản xuất một cách bền vững, cũng như tạo ra các giống lúa gạo có thể chống hạn, chống mặn, đem lại giá trị cao.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), từ bối cảnh hiện nay có thể nhận định sang năm 2024 nhu cầu của thế giới còn gia tăng và dư địa để gạo Việt tiếp tục gia tăng xuất khẩu. Nhất là những thị trường truyền thống tăng cường nhập khẩu để giải quyết tình trạng thiếu hụt.

Nêu quan điểm, ông Phạm Quang Diệu - Kinh tế trưởng Công ty AgroMonotor (chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo) cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, như vậy sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi ký kết hợp đồng.

Ông Cao Thành Đạt - Quản lý kinh doanh giải pháp chế biến lúa gạo Buhler Việt Nam cũng cho rằng, thị trường lúa gạo đang trải qua nhiều biến động, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu gạo. Mặc dù lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng so với các năm trước, song chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao, cùng với đó là áp lực cạnh tranh trên thị trường khiến các nhà cung ứng gạo xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải hết sức cẩn trọng trong hoạt động sản xuất của mình để đảm bảo lợi nhuận

Việc giá gạo xuất khẩu tăng đã giúp xuất khẩu gạo đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 4,15 tỷ USD, vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022. Bộ Công thương cho biết vẫn kiểm tra, giám sát hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp theo Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo bền vững.

Theo Bộ NN&PTNT, vụ đông xuân 2023-2024, dự kiến cả nước gieo trồng khoảng 3 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 20,12 triệu tấn, tăng 113.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT… để nắm bắt kịp thời thông tin, dự toán được xu thế của thị trường lúa gạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu gạo tiếp tục bứt phá