Năm 2022 ngành gỗ đề ra mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD, tuy nhiên theo các chuyên gia, do tác động từ chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao, xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Thách thức lớn
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường, trong nửa đầu năm 2022, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường châu Mỹ, với trị giá chiếm 60,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, theo thông lệ, nửa cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát đang gia tăng mạnh tại các thị trường như Hoa Kỳ và các nước EU, khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm.
Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với khó khăn về giá, theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ còn đang đối diện ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Tần suất các vụ việc gia tăng và những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt hại ngày càng lớn hơn.
“Trước đây, chúng ta đối diện một số vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Cụ thể Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiện và áp thuế mặt hàng gỗ dán và gỗ dán cứng của Việt Nam. Sau đó, Hàn Quốc kiện và áp thuế gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc với mức thuế trên dưới 10%. Năm ngoái, Canada cũng điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút của Việt Nam xuất khẩu và áp mức thuế khá nặng, trên dưới 10%” - ông Hoài cho hay.
Nâng chất, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm gỗ
Nhiều năm trở lại đây, ngành gỗ nước nhà lại đối diện thêm nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngoài áp thuế chống bán phá giá thuế trợ cấp, ngành gỗ phải đối diện với các biện pháp tự vệ như điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Việt Nam. Hay mới đây, Mỹ cũng tiến hành điều tra sản phẩm bàn trang điểm mà Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường này.
Đề cập đến vấn đề này, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, việc bị điều tra phòng vệ thương mại là điều doanh nghiệp không mong muốn. Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại luôn khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều tra tích cực bởi khi nỗ lực đưa ra các thông tin chứng minh để các sản phẩm của chúng ta không áp các biện pháp phòng vệ thương mại, sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ có thể có được những kết quả xuất khẩu tốt hơn, nâng sức cạnh tranh hơn.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) dự báo, bên cạnh những điểm sáng của ngành lâm nghiệp 6 tháng đầu năm, ngành gỗ cũng đối diện "khó khăn kép", khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam liên quan đến vấn đề nguồn gốc, xuất xứ và gian lận thương mại. Đây là thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nếu xảy ra biến động của thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành.
Trước những khó khăn trên, để đạt được mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội và các DN để một mặt vẫn chủ động đáp ứng những hợp đồng đã ký, mặt khác mở rộng ra các thị trường ít bị biến động, để không phụ thuộc vào một thị trường. Bên cạnh đó sẽ tập trung thực hiện, phối hợp với các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số DN xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời nhân rộng mô hình liên kết thành công giữa DN chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam.