Xuất khẩu khó, ngành gỗ ‘quay xe’

Khanh Lê 15/09/2023 07:29

Dù thị trường xuất khẩu gỗ đã có dấu hiệu phục hồi hơn so với đầu năm, tuy nhiên ngành gỗ đang đối mặt với những khó khăn. Từ đó, nhiều doanh nghiệp chủ trương quay về thị trường nội địa.

Nhiều doanh nghiệp gỗ tìm kiếm cơ hội ở thị trường nội địa.

Chồng chất khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tháng 8/2023, xuất khẩu lâm sản đạt 1,19 tỷ USD, giảm 21,5%; tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu lâm sản chỉ đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khả năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. “Đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 35-40% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, có thị trường gần như đóng băng, dẫn đến nguồn lao động bị cắt giảm, nhà máy đóng cửa… Không ít DN sản xuất, xuất khẩu gỗ gặp khó bởi các rào cản kỹ thuật, yêu cầu, quy định xuất khẩu tại các thị trường thế mạnh… đã tăng thêm thách thức cho DN gỗ” - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài cho biết.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 -14,5 tỷ USD. Xuất khẩu gỗ đang có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khó có thể đạt mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra hồi đầu năm.

Nhận định về những khó khăn của ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, chưa khi nào ngành gỗ gặp khó như hiện nay khi mà tần suất đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Từ năm 2020 tới nay, ngành này đã đối diện với nhiều yêu cầu đến từ thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, Đức.

Không chỉ chịu tác động từ bên ngoài, nhiều khó khăn nội tại cũng đang tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu gỗ trong thời gian qua. Cụ thể, một số làng nghề gặp khó trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như chuyển đổi sử dụng gỗ từ rừng trồng để thay thế nguồn gỗ nhập từ rừng tự nhiên cũng như gỗ nhập khẩu từ các nguồn có nguy cơ rủi ro...

Tìm cơ hội phục hồi

Nhằm cùng DN vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương đã huy động các nguồn lực, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các chương trình của quốc gia, khu vực… đồng thời tổ chức Hội chợ đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa.

Theo ông Võ Quang Hà - Chủ tịch Tavico Group, đây là việc làm cần thiết và kịp thời, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp khó. Hơn nữa thị trường nội địa với dân số 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh; mỗi năm ước tính có tới 70 - 80 triệu m2 nhà ở được xây dựng, dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nội ngoại thất tăng cao. Nhưng hiện nay thị trường đồ gỗ nội địa vẫn còn bỏ ngỏ cho các sản phẩm ngoại nhập.

"Mở rộng thị trường nội địa cũng là giải pháp hữu ích giúp các DN sản xuất chế biến gỗ đa dạng hóa đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào xuất khẩu. Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu. Không bỏ phí tiềm năng tiêu thụ trong nước mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam sở hữu các sản phẩm nội thất chất lượng cao do chính Việt Nam sản xuất" - ông Hà nói.

Thời gian qua nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chính sách và tạo điều kiện cho giao thương hàng hoá nội địa thông thoáng hơn, có điều kiện cho DN tiếp cận chính sách, giảm giá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng. Đáng chú ý, Quốc hội đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023, giúp hàng hóa trên thị trường giảm 1,7%. Giải pháp này ngoài việc hỗ trợ DN còn gián tiếp hỗ trợ người tiêu dùng và tác động giúp giảm giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cũng cho biết, trước những khó khăn ở thị trường xuất khẩu, nhiều DN đã mở đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới, như Trung Đông. Bước đầu đã có những tín hiệu tích cực song về lâu dài ngành gỗ vẫn rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Để trợ lực cho DN ngành gỗ, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ cho các DN ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu khó, ngành gỗ ‘quay xe’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO