Mặc dù chịu những tác động mạnh mẽ của dịch Covid -19, song kim ngạch xuất khẩu quý I/2020 vẫn tăng 4.7% so với cùng kỳ năm trước. Giới chuyên gia nhận định, dịch bệnh đang dần được khống chế, nền kinh tế sẽ dần khôi phục trở lại trạng thái bình thường, kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 năm 2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm đến 18,4% so với tháng 3/2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù bị dịch Covid -19 tác động, song tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%). Bộ Công thương nhận định, yếu tố hỗ trợ xuất khẩu tăng phải kể đến việc kiểm soát tình hình dịch bệnh một cách sát sao. Đáng chú ý, dịch bệnh đang dần dần chững lại trên thế giới sẽ là một trong những điều kiện để hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu thông trở lại.
Cùng với đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020, cũng sẽ là một lực đẩy mạnh để cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện thâm nhập nhiều quốc gia tại thị trường châu Âu. Hai yếu tố tích cực nói trên sẽ là tác động kép cho kim ngạch xuất khẩu của nước nhà vào nửa cuối năm 2020 này.
Nhận định sâu hơn về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của nước nhà trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nêu quan điểm, để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu sau dịch, trước mắt ngành Công thương tập trung tháo gỡ những vướng mắc tại khu vực biên giới, đặc biệt là khu vực biên giới với Trung Quốc bởi hoạt động thông quan xuất khẩu hàng hóa tại khu vực này vẫn còn khá ỳ ạch thời gian qua. Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng tích cực chuẩn bị cho việc hồi phục của các thị trường bằng việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động giao thương trực tuyến. Đặc biệt, với các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia sắp có hiệu lực như EVFTA, Việt Nam - Cuba… là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam tận dụng tốt nhất các cơ hội từ các FTA thế hệ mới mang lại.
Và để “tiếp sức” cho các DN xuất khẩu sau một thời gian dài chống chọi với dịch Covid -19, ông Hải cho hay, Bộ Công thương sẽ làm việc với các Hiệp hội ngành hàng để rà soát lại các kiến nghị của DN nhằm hỗ trợ cho các DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Vừa qua, có thể thấy rất rõ khả năng chịu đựng của cộng đồng DN là yếu tố rất quan trọng để phục hồi”- ông Hải nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu cần hỗ trợ của các DN đang rất lớn, nếu như không được triển khai sớm sẽ gây thiệt hại cũng như suy yếu khả năng chịu đựng của các DN, dẫn đến thời gian phục hồi sau đại dịch sẽ bị kéo dài hơn.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, thời gian qua, một số DN ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho… Và để đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, Hiệp hội này kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để DN có thể tiếp cận nguồn vốn từ đó khôi phục sản xuất.
Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, theo Bộ Công thương, thời gian dịch bệnh kéo dài 3 tháng qua, việc tổ chức các cuộc giao thương trực tuyến là một yếu tố quan trọng, hiệu quả giúp DN Việt Nam đẩy mạnh kết nối với các DN nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đó, ngày 21/4/2020, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp với Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc, và đã kết nối được với hơn 150 DN hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm... “Hoạt động giao thương trực tuyến sẽ tiếp tục được mở rộng ra các thị trường khác tạo cơ hội kết nối giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đây là giải pháp hữu hiệu thời dịch song cũng là xu hướng tất yếu của thời kỳ kinh tế số” - theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.
Với những nỗ lực từ phía nhà quản lý, giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN Việt sẽ sớm được phục hồi, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2020 sẽ trong tầm tay.