Xuất khẩu lao động 2023: Đón đầu cơ hội để mở rộng thị trường

Lan Hương 14/12/2022 10:18

Theo giới chuyên gia, năm 2023 công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hứa hẹn nhiều cơ hội. Theo đó, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho lao động có tay nghề cũng hứa hẹn bùng nổ trong năm tới khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.

Cơ hội rộng mở

Nhận định về thị trường XKLĐ trong năm 2023, ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết, nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đơn cử như Đức, cuối tháng 11 vừa qua, chính phủ nước này đã quyết định "những điểm chính" về cải cách việc nhập cư lao động có tay nghề. Theo đó, việc học tập hoặc đào tạo nghề của người nước ngoài tại Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là cơ hội tốt cho NLĐ Việt Nam với các ngành như: điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí ôtô, chế biến thực phẩm...

Ngoài Đức theo đánh giá của giới chuyên gia, các thị trường tiềm năng khác ngoài châu Âu cũng sẽ là tâm điểm chú ý của NLĐ có tay nghề trong năm 2023. Đó là Australia, New Zealand và Canada, 3 nước phát triển này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đang tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Năm ngoái, chính phủ Australia đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là một trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, NLĐ Việt Nam có thể đến Australia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Bộ Di trú Canada cũng vừa công bố kế hoạch nhập cư giai đoạn 2023 - 2025. Trước mắt, Canada đặt mục tiêu chào đón 465.000 lao động nhập cư vào năm sau, con số này sẽ tăng lên 485.000 người vào năm 2024 và 500.000 người vào năm 2025. Đây là một phần trong kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng và ứng phó xu hướng già hóa dân số, đồng thời thu hút người nhập cư đến các vùng nông thôn ở Canada.

NLĐ được hỗ trợ giải quyết khi có tranh chấp

Nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài, 40/2021/QĐ-TTg của Chính phủ có quy định hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc; Người lao động, đại diện của nhóm lao động (đối với vụ việc có nhiều lao động) hoặc người được người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động gửi giấy đề nghị hỗ trợ kèm theo 01 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi tới Cơ quan điều hành Quỹ.

Trường hợp hồ sơ nộp thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi, đơn vị, cá nhân có văn bản đề nghị hỗ trợ kèm theo hồ sơ của người lao động gửi Cơ quan điều hành Quỹ. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan điều hành Quỹ kiểm tra, đối chiếu hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ, mức bằng 25% giá trị hợp đồng thuê luật sư, tư vấn pháp lý, tối đa 25.000.000 đồng/vụ việc, trường hợp liên quan đến nhiều người lao động, tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Sau khi kết thúc vụ việc, người lao động hoặc đại diện nhóm lao động hoặc người được ủy quyền gửi giấy đề nghị hỗ trợ phần kinh phí còn lại kèm theo 1 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi tới Cơ quan điều hành Quỹ.

Ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp và người lao động. Nội dung chi và mức chi đối với các nhiệm vụ của Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở. Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ thuê chỗ ở cho người lao động;

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội, đa phần NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chỉ chú ý tìm hiểu về thị trường, thu nhập ít quan tâm, chú ý đến DN, công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chính vì vậy, thường chọn đi theo bạn bè, người quen giới thiệu hoặc tìm trên mạng…chính điều này dẫn đến rủi ro, nguy cơ bị lừa bởi những công ty, DN làm ăn “chụp giật”. Thực tế đã rất nhiều NLĐ mắc bẫy do đó, việc hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc rất ý nghĩa. Là cơ sở để NLĐ giải quyết tranh chấp khi xảy ra rủi ro cũng như đòi lại quyền lợi cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động 2023: Đón đầu cơ hội để mở rộng thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO