Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất với 34.508 người, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 31.538, Hàn Quốc 1.608, Trung Quốc 902, Singapore 727 lao động nam, Hungary 712, Romania 469 và các thị trường khác.
Đáng chú ý, mới đây, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho Chương trình kỹ năng đặc định số 2. Theo đó, việc Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam. Nhật Bản là thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm qua. Các lao động sau 3 năm thực tập sinh sẽ có nhiều cơ hội chuyển sang lao động kĩ năng đặc định ở lại lâu dài. Nhiều hiệp hội ngành nghề Nhật Bản cũng sang tìm hiểu, liên kết với các trường đào tạo nghề ở Việt Nam để giúp người lao động thuần thục tay nghề trước khi xuất cảnh. Không riêng Nhật Bản, đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc cũng là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500-2.000 USD/tháng.
Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik đã ký và trao Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS). Chương trình EPS đã mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam cũng như đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tới nay, thị trường xuất khẩu lao động ngày càng rộng mở không chỉ gói gọn ở những thị trường truyền thống, thu nhập thấp mà đã mở ra nhiều cơ hội đi làm thu nhập cao tại những thị trường khó tính. Đây không chỉ là cơ hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà còn là chìa khóa để nâng chất lượng nguồn nhân lực.
Để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: đào tạo nghề, vay vốn, đào tạo kỹ năng…
Theo ông Lê Ngọc Toàn - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Cục Quản lý lao động ngoài nước), các chính sách hỗ trợ cho vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 127 nghìn người lao động, mở ra cơ hội làm việc ở nước ngoài cho người lao động thuộc các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… tạo điều kiện để người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Mặc dù vậy theo đánh giá của các địa phương, hạn mức được vay khi đi làm việc ở nước ngoài còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân khi đi làm việc ở nước ngoài, nhất là với những thị trường tiềm năng.
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, từ năm 2022 đến nay (kể từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát), tỉnh đã cho 11.693 người lao động vay, với tổng số tiền 480 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm; đồng thời thực hiện cho vay đối với người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 379 lao động, với tổng số tiền 31,9 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn từ 2 nội dung này là 0,12%.
“Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Nhu cầu về nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn, nguồn vốn không đủ để đáp ứng cho vay các đối tượng thụ hưởng. Nên có cơ chế chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để thực hiện cho vay” - ông Hùng đề xuất.
Ông Vương Văn Minh - Giám đốc Ban tín dụng học sinh - sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, đã có 2.809 người lao động được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài, với doanh số đạt 210,765 tỷ đồng, mức cho vay trung bình khoảng 75 triệu đồng/người lao động. Theo ông Minh, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ, giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị cần bổ sung nguồn vốn cho vay, nâng mức cho vay từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.