Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, ngay trong tháng 1/2022 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông nghiệp ổn định
Cụ thể nhóm xuất khẩu nông sản chính ước đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 0,1%; sản phẩm chăn nuôi đạt 32 triệu USD, tăng 11,1%; thuỷ sản đạt trên 765 triệu USD, tăng 25,7%, lâm sản chính đạt trên 1,4 tỷ USD, xuất khẩu phân bón và thức ăn gia súc đạt khoảng 372 triệu USD, cao gấp 2,3 lần so với tháng 1/2021.
Trong khi đó lĩnh vực lâm nghiệp được đánh giá là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu. Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt xấp xỉ 16 tỷ USD và năm nay sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Dự báo xuất khẩu lâm sản có thể vượt qua mốc 18 tỷ USD trong năm 2022, trong đó xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sẽ đạt 16 - 16,8 tỷ USD.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định những ngày đầu năm và sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho tiêu thụ nội địa cũng như đáp ứng xuất khẩu. Cụ thể, số liệu thống kê cho biết, với ngành hàng lúa gạo, đến đầu tháng 2/2022, diện tích lúa đã thu hoạch đạt 391.800 ha, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước.
Sản lượng đã thu hoạch đạt 2,08 triệu tấn, bằng 106% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất bình quân đạt 53,2 tạ/ha, bằng 101% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2022 đạt 321.000 tấn với trị giá 162 triệu USD.
Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, sản lượng lúa gạo hiện nay đáp ứng đủ cho tiêu dùng trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu những tháng đầu năm 2022. Về tình hình chăn nuôi trên cả nước, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này ước tính tổng đàn bò tăng khoảng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021; chăn nuôi lợn đang tiếp tục đà hồi phục.
Thủy sản dự báo cán mốc 9,2 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý IV/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 602,1 nghìn tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,022 triệu tấn, trị giá 8,89 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020. Đây là mức trị giá cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, xuất khẩu thủy sản tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường.
Trên thực tế trong năm 2022, ngành thủy sản có khá nhiều cơ hội để tăng trưởng. Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030.
Dự kiến sản lượng thủy hải sản tiêu thụ sẽ mở rộng trên tất cả các châu lục do được thúc đẩy bởi thu nhập ngày càng cao, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối, đổi mới sản phẩm, cùng với việc người tiêu dùng ngày càng công nhận thủy hải sản là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021 lên 4,3 tỷ USD vào năm 2022. Một trong những lợi thế cho tôm là Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021, đã nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các nước đối thủ khác, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) hỗ trợ Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại EU vào năm 2022. Cụ thể, tham gia EVFTA, tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thuế suất 0%, thuế đối với tôm thẻ chân trắng đông lạnh cũng sẽ giảm dần về 0% cho đến năm 2025.
Mặc dù vậy, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, đã có rất nhiều FTA có hiệu lực trong thời gian qua, không chỉ mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trong nước, giúp tăng năng lực sản xuất, mà còn khiến doanh nghiệp thận trọng hơn trong giao dịch quốc tế.
Việc tận dụng ưu đãi từ các FTA trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tạo áp lực cho các DN xuất khẩu trong việc cần phải nâng cao hơn nhận thức về những hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu có thể áp dụng như thuế chống phá giá, chống trợ cấp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021.