6 tháng đầu năm, bất chấp những khó khăn do tác động của môi trường kinh tế thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, tăng 13,9% với tổng kim ngạch 27,88 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm sẽ đạt khoảng 55 tỷ USD, cao hơn mức Chính phủ giao 5 tỷ USD. Vậy làm gì để đạt được mục tiêu đó?
Thay đổi tư duy, tìm những giá trị mới
Bộ NNPTNT vừa công bố: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.
Đóng góp vào thành công của việc tăng trưởng kinh ngạch xuất khẩu có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cà phê là sản phẩm tăng nhiều nhất với khối lượng tăng 21,7% và giá trị tăng 49,7%; tiếp theo là sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng, 28% giá trị; cao su tăng 9,2% khối lượng, 12,2% giá trị; gạo tăng 16,2% khối lượng, 4,6% giá trị.
Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125.000 tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,49 tỷ USD (tăng 2,8%), mây, tre, cói thảm 481 triệu USD (tăng 8,2%).
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là các thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9%), chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.
Với những thuận lợi trên, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm sẽ đạt khoảng 55 tỷ USD, cao hơn mức Chính phủ giao 5 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không phải là câu chuyện nhất thời mà cần phải thay đổi tư duy phát triển, phải tư duy theo hướng tích hợp đa giá trị, tìm ra những giá trị mới.
“Cần có sự chuyển động sang nền kinh tế nông nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào. Mỗi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn nữa. Ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Về phía địa phương, điển hình cho sự thay đổi tư duy, nỗ lực tìm lối đi riêng cho loại đặc sản địa phương, mùa vải này huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đã “thoát” được cảnh “giải cứu” do phụ thuộc vào một thị trường. Ông Trương Văn Năm - Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được xuất khẩu đến 30 nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Bên cạnh đó, với chính sách “Zero Covid” và lệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc, huyện Lục Ngạn đang xúc tiến, đưa vải thiều đến các tỉnh, các khu công nghiệp, tập đoàn… Về lâu dài, quả vải sẽ “tìm đường” xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Phân tích về thị trường nông sản xuất khẩu, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu. Như mặt hàng cao su, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần.
Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19.
Còn theo các tham tán thương mại tại nhiều nước, thị trường, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trái cây tươi. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê, trái cây tươi Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan.
Sản xuất đã theo tín hiệu thị trường
Đánh giá từ thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Việt Nam hiện là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ, thị trường tiêu dùng lên tới gần 7 tỷ người. Thị trường rất rộng mở. Hiện nông sản Việt Nam đã vào được các thị trường rất khó tính, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển.
Những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường. Người sản xuất vùng trồng, vùng nuôi đã quán triệt được tinh thần bán ra cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có. Sản xuất đã theo tín hiệu thị trường.
Tuy vậy, theo ông Lương Phước Vinh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Tentamus), nhu cầu lương thực, nông sản ở châu Âu đang rất lớn, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vấn đề quan trọng là cần tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này.
Ông Vinh đánh giá nhu cầu ở thị trường châu Âu không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường. Các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường này rất lớn.
Còn theo bà Trần Lê Dung - Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, 2 năm Covid-19 vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã thâm nhập và được đón nhận ở thị trường Malaysia. Tuy nhiên, so với nhu cầu của thị trường này thì vẫn còn khiêm tốn.
“Tiềm năng là vậy nhưng đến nay, thị phần nông sản, thực phẩm của Việt Nam ở Malaysia vẫn đứng sau các nước Trung Quốc, Thái Lan do chất lượng sản phẩm và thương hiệu chưa được xây dựng”, bà Dung nhìn nhận.
Tương tự, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng cho biết, nông sản Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu nông sản, thực phẩm của nước này. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, làm ăn lâu dài với thị trường Australia trong thời gian tới nếu tập trung hơn về khâu chất lượng.
Để thị trường xuất khẩu bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm thật tốt công tác thông tin thị trường, từ đó định hướng sản xuất vùng trồng, vùng nuôi tại các địa phương. Tiếp tục đàm phán đưa nông sản Việt Nam vào thị trường các nước để tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do đã ký. Đẩy mạnh triển khai đề án xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử…
Nỗ lực “mở cửa”
Để đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD cả năm 2022 (cao hơn 5 tỷ USD so với Chính phủ giao), ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết: 6 tháng cuối năm Bộ chủ quản sẽ mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông, lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...
Còn theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục đang nộp hồ sơ, đàm phán để mở cửa thị trường trái nhãn sang Nhật Bản, đưa bưởi, dừa sang Mỹ, sầu riêng, chanh leo sang Trung Quốc trong năm 2022. Đối với thị trường Nhật Bản, theo cam kết của chính phủ 2 nước, đến tháng 9 phải “mở cửa” được quả nhãn.
“Hiện nay, hai bên đang thống nhất phần kỹ thuật, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thiện dự thảo xuất khẩu. Sau đó hai bên hoàn thiện các thủ tục nội bộ để chính thức công bố xuất khẩu quả nhãn sang thị trường Nhật Bản”, ông Trung thông tin.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, ông Trung cho biết, hai nước đã hoàn tất các khâu kỹ thuật đối với quả bưởi. Trong tháng 7, đoàn chuyên gia của Hoa Kỳ sẽ sang Việt Nam, cùng Cục Bảo vệ thực vật và các nhà máy chiếu xạ trên cả nước thống nhất liều lượng chiếu xạ đối với trái bưởi.
“Tiếp theo đó là trái dừa. Hiện chúng tôi đề nghị đàm phán theo phương thức rút gọn vì đã nhiều năm xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ”, ông Trung nói.
Với thị trường Trung Quốc, đến nay Cục đã hoàn thiện các dự thảo nghị định thư đối với trái sầu riêng, đang chờ ký và hai bên sẽ thống nhất thời gian công bố. Liên quan đến quả chanh leo, Trung Quốc đang đề nghị nhập khẩu theo hình thức tạm thời giống như quả ớt, dự kiến bắt đầu từ tháng 7.
Trước đó, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, cùng với việc chú trọng theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước trong điều kiện mới, Bộ NNPTNT đang triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc.
Mặt khác, ngành nông nghiệp nỗ lực thúc đẩy các hoạt động mở cửa thị trường. Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ chuẩn bị nội dung làm việc song phương với cơ quan chức năng của các nước: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Riêng trong tháng 6/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đã thống nhất phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch Covid-19; tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan của Bộ cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Cụ thể, nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.
Đồng thời, phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền nông nghiệp số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả. Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, rút; ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, cắt giảm phí và lệ phí; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch
Các thị trường truyền thống vẫn sẽ là cứu cánh cho xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2022. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để nông sản Việt chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Phương châm của Bộ NNPTNT là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, từng bước giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa, nông sản diễn ra tại khu vực cửa khẩu phía Bắc…
Cùng với tích cực triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, Bộ NNPTNT cũng sẽ duy trì nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng. Đẩy mạnh công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật; đồng thời giám sát chặt quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nhằm bảo đảm uy tín cho nông sản Việt xuất khẩu.
Song song với thúc đẩy xuất khẩu, Bộ NNPTNT cũng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, trên cơ sở phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ chế biến, lưu thông, tiêu thụ kịp thời nông sản chính vụ. Tổ chức kết nối thu mua và tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tính trạng ùn ứ nông sản thời gian qua.