Ngày 30/9/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1684 về việc phê duyệt chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030. Kể từ đó đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến dài.
Triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Quá trình hội nhập quốc tế cũng đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, thay đổi trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu nông sản, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Tới nay, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,7 tỷ USD năm 2021; 53,22 tỷ USD năm 2022. Năm 2023, kinh tế thế giới chao đảo, nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu hàng hóa nông sản các loại được hơn 53 tỷ USD. Năm 2024 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, cả nước có hơn 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, trong đó có 11 nhóm mặt hàng nông sản. Cụ thể là gạo, gỗ và sản phẩm lâm sản, tôm, cà phê, trái cây, cao su, rau quả...
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng lên qua các năm (năm 2017 là 36,51 tỷ USD; năm 2023 hơn 53 tỷ USD). Tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2023 đạt gần 9%.
Đáng chú ý là các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có xu hướng tăng trong những năm gần đây, như gạo với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2022 là 5,66%. Thực sự ấn tượng khi năm 2023, gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng tới 38,4% so với năm 2022 (dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Tới nay, đa dạng hàng hóa nông sản xuất khẩu, nhưng Việt Nam cũng đã xác định được một số mặt hàng chủ lực. Trong đó phải kể đến gạo, cà phê, thủy hải sản, trái cây, gỗ và sản phẩm lâm nghiệp. Theo giới chuyên gia kinh tế thì đây đều là những mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam. Vấn đề là cần tiếp tục phát huy, đầu tư sâu về khoa học công nghệ và sản phẩm xanh; từ đó tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm khép kín trong nước làm cơ sở để tăng trưởng xuất khẩu.
Thông tin từ Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại (VIOIT-VCCI) cho rằng, hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Khi đã có thương hiệu, chúng ta có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, đối tác phù hợp, có nhiều lợi thế hơn trong thương mại. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu nông sản của thị trường thế giới tăng mạnh trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự mất ổn định và biến động về kinh tế, chính trị thế giới cùng với mối lo ngại về an ninh lương thực.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng làm gia tăng sự cạnh tranh. Theo TS Trần Thị Thu Hiền (VIOIT) thì Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 FTA, từ đó sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thách thức lớn khi xu hướng đầu tư vào nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Với lợi ích thu được từ FTA, nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng sức cạnh tranh thấp như mía đường, sản phẩm chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…
Bà Hiền còn cho rằng, quá trình hội nhập sẽ làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cao của Việt Nam. Cụ thể, gạo, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối diện với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Myanmar, Campuchia...
Bên cạnh đó, nông sản cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội.
Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ thương mại xuất hiện trở lại. Các nước bảo hộ nền kinh tế trong nước bằng cách gia tăng các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tạo ra những thách thức đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Vì thế, vững tin vào giá trị xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhưng cũng cần nhận diện một cách đầy đủ thách thức từ thị trường các nước nhập khẩu, để từ đó có đối sách phù hợp, hiệu quả nhất.