Trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm thì thị trường Trung Quốc là điểm sáng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tăng cường đàm phán để ký kết các nghị định thư xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng như các thị trường tiềm năng.
Khách hàng lớn nhất
Số liệu của Bộ Công thương 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 55,98 tỷ USD, đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2/2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2023 là một năm rất khó khăn trong xuất khẩu. 11 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn bám đuổi mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 54 tỷ USD.
Vẫn theo ông Tiến, hiện cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản đã thay đổi trong năm 2023. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD chiếm 7,4%, giảm 9,1%...
Nhận định về triển vọng tại thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, chúng ta đang xúc tiến mở rộng thêm 4 đối tượng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch.
“4 nghị định thư này đã trải qua quá trình điều tra, xem xét, đánh giá hồ sơ và có dự thảo văn kiện. Từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có cơ hội để ký kết 4 nghị định thư này. Nếu triển khai trong thời gian tới, sẽ tăng thêm giá trị xuất khẩu sang thị trường lớn này” - ông Tiến nhận định.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Trong tháng 11, các lô tổ yến chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, dư địa của thị trường Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt là tiềm năng hợp tác thương mại với các địa phương nằm sâu trong lục địa, khu vực phía Bắc. Để tận dụng được cơ hội này các doanh nghiệp (DN), địa phương, các hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và các mã vùng trồng, các cơ sở chế biến đóng gói.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá, 2023 là một năm “bội thu” của trái cây xuất khẩu, nhất là sầu riêng. Có thời điểm, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc tăng đột biến tới 161,8%. Hiện, cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu thêm 2 mặt hàng chính ngạch là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi. Nếu không có những biến động thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt hơn 6 tỷ USD.
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhìn nhận: Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn. Tuy nhiên, theo ông Sơn, các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường Trung Quốc do thói quen xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và hạn chế trong việc tiếp cận các khu vực thị trường sâu trong đại lục. Nhà sản xuất cần xác định đây là thị trường ngày càng có tiêu chuẩn cao và kiểm soát khắt khe để sản xuất chuẩn chỉnh về chất lượng ngay từ đầu. “Với các DN xuất khẩu, cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đồng thời cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường” – ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Trung Quốc là một thị trường lớn với 1,4 tỷ dân và Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về xuất khẩu sang thị trường này. Chúng ta cần tranh thủ để thu hoạch, sơ chế, chế biến, thúc đẩy và thực hiện tốt những Nghị định thư giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, để tiếp tục duy trì và mở rộng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và các mã vùng trồng, các cơ sở chế biến đóng gói.