Xuất khẩu nông sản: Tận dụng tiềm năng từ EU

Khanh Lê 11/09/2023 07:00

EU được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Mặc dù vậy, hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Đâu là nguyên nhân?

Nhiều dư địa xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU.

Thách thức

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, qua 3 năm thực thi EVFTA, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa; trong đó, từ 1/8 đến 31/12/2022, xuất khẩu đạt 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, xuất khẩu sang EU đạt 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 23,23 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,4 tỷ USD. Từ đầu năm đến ngày 31/7/2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 25 tỷ USD.

Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng (Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, Bộ Công thương), EU là một trong những thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Dù vậy hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Nguyên nhân do doanh nghiệp (DN) chưa tận dụng ưu đãi từ EVFTA bởi họ nghĩ rằng vẫn có thể tận dụng các ưu đãi thuế khác, các điều kiện xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, các loại ưu đãi này sẽ chấm dứt trong ngắn hạn, buộc DN phải tận dụng EVFTA. Chưa hết, theo ông Lăng, riêng với mặt hàng nông sản, Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn từ những quy định khắt khe được EU đưa ra.

Mới đây nhất, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Cùng với đó, một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 năm nay và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Dư địa lớn

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ DN hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về EVFTA cao hơn đáng kể so với các FTA khác. Ngoài ra, gần 41% DN cho biết, đã từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA, trong khi con số này chỉ gần 25% vào năm 2020. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định (14,2% vào năm 2021 và 16,7% vào năm 2022).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, DN, người sản xuất cần tiếp tục hướng đến các phương thức sản xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt. Để tận dụng ưu đãi thuế từ EVFTA, thì các DN xuất khẩu nông sản cần phải nắm chắc về nguyên tắc xuất xứ, xem các thành phần và áp dụng quy tắc xuất xứ nào trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Bên cạnh đó DN cần phải nắm rõ các quy định mới của châu Âu như quy định về phát triển bền vững, thoả thuận xanh.

“Thị trường EU là thị trường rộng lớn, nhiều dư địa đối với DN Việt. Để xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam sang EU như tiêu, điều, cà phê thì cần phải lưu ý tới từ vùng sản xuất, vùng trồng phải là vùng trồng hợp pháp, chất lượng phải được kiểm soát, xanh sạch, thân thiện với môi trường” - ông Lăng nói.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm, tại hội nghị giao ban với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết các nước EU, Hoa Kỳ đã có nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu. Các chính sách này đã bước đầu phát huy hiệu lực, lạm phát ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh đều có chiều hướng giảm xuống.

Thời gian tới, với nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi, xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý IV/2023. Bên cạnh đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo ông Trần Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam- ASEAN, điều quan trọng nhất hiện nay là uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu. Doanh nghiệp cần phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, các lô hàng phải đồng đều nhau, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau bị kém chất lượng là bị trả về và mất khách hàng. Do vậy, khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU, điều đặc biệt quan trọng là doanh nghiệp phải giữ chữ tín, thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu nông sản: Tận dụng tiềm năng từ EU