Xuất khẩu tận dụng nền tảng số

Thanh Xuân 09/03/2023 06:31

Đầu tư cho công nghệ để gia tăng xuất khẩu trên nền tảng số, các kênh thương mại điện tử - đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số do Bộ Công thương phối hợp cùng Alibaba.com tổ chức sáng 8/3 tại TP HCM.

Nền tảng số mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử chính là lĩnh vực phát triển mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN). Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn; phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động để cùng đồng hành với DN.

Thực tế đã ghi nhận, thông qua những chuyển đổi mạnh mẽ trong xúc tiến thương mại, DN xuất khẩu đã tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ giao dịch và xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu của cả nước.

Ông Dương Khánh Toàn - Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế và Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần cà phê Mê Trang cho biết, tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử từ năm 2014, song đến năm 2019, DN phải đóng gian hàng do không có khách. Đến năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của Mê Trang, DN đã quyết định quay lại sàn vào năm 2022. Với việc quay trở lại, Mê Trang đã xây dựng lại kế hoạch chiến lược khai thác trên nền tảng thương mại điện tử, tận dụng những cơ hội có được từ nền tảng số để đẩy mạnh kinh doanh. Và kết quả là, doanh thu đã tăng trưởng trở lại. Theo ông Toàn, việc kinh doanh trên nền tảng số giúp DN tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí rất nhiều. Năm 2023, Mê Trang đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử, mở rộng khách hàng tại thị trường châu Âu và Trung Đông.

Đại diện nhiều DN cũng cho biết, trước xu thế số hóa, họ đã tập trung bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Một số DN với đặc trưng về sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, tận dụng lợi thế về mặt không gian và thời gian của nền tảng số, họ có thể dễ dàng tiếp cận với đa dạng khách hàng trong nước và quốc tế, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, gia tăng doanh thu.

“Sau 8 năm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, DN đã chinh phục thành công thị trường châu Âu và Mỹ” – một DN cho biết.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cũng theo ông Phú, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía DN cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA.

Nhiều DN cũng cho biết, trước xu thế số hóa, họ đã tập trung bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Một số DN với đặc trưng về sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, tận dụng lợi thế về mặt không gian và thời gian của nền tảng số, họ có thể dễ dàng tiếp cận với đa dạng khách hàng trong nước và quốc tế, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, gia tăng doanh thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu tận dụng nền tảng số